Trong khuôn khổ “Ngày hội sách châu Âu 2019”, ngày 12-5, tại Đường sách TPHCM, hai nhà nghiên cứu Lê Nguyễn và Trần Nam Tiến đã cùng nhau chia sẻ những thông tin thú vị và bổ ích nhân buổi tọa đàm “Cuộc viễn chinh Nam kỳ năm 1861” do công ty sách Dân Trí tổ chức.
Tọa đàm “Cuộc viễn chinh Nam kỳ năm 1861” diễn ra đúng vào kỷ niệm 160 năm Nam kỳ kháng chiến chống Pháp (1859 - 2019). Đây cũng là dịp ra mắt cuốn sách Nam kỳ viễn chinh ký 1861 do công ty sách Dân Trí và NXB Hồng Đức ấn hành. Sự kiện thu hút rất đông người tham dự, đặc biệt là những người trẻ.
Nam kỳ viễn chinh ký 1861 được xem là ký sự chiến trường, được viết bởi tác giả Léopold Pallu - Đại úy hải quân Pháp trực tiếp tham gia vào cuộc xâm lược của thực dân Pháp tại Nam kỳ thời kỳ đó. Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn đánh giá đây là tác phẩm mở đường cho các công trình nghiên cứu mà người Pháp sẽ viết ra sau này.
Cuốn sách "Nam kỳ viễn chinh ký 1861" được xem là một công trình lịch sử quan trọng nhưng chỉ mang tính tham khảo Các bài viết được Léopold Pallu viết liên tục trong năm 1861 trong thời gian tham chiến tại Nam Kỳ, được ông gửi về Pháp đăng báo ngay trong năm đó. Vào năm 1864, ông hoàn chỉnh bản thảo và in thành sách. Cuốn sách Nam kỳ viễn chinh ký 1861 ra mắt dịp này được tái bản dựa theo bản in năm 1888, là ấn bản tác giả có hiệu chỉnh ba năm trước khi qua đời.
Hai nhà nghiên cứu Lê Nguyễn và Trần Nam Tiến đều là những cây bút quen thuộc và tác giả của nhiều công trình nghiên cứu sử lược. Tại buổi tọa đàm, hai nhà nghiên cứu đã cùng nhắc lại hoàn cảnh và những cột mốc đáng nhớ trong cuộc chinh phạt Nam kỳ của Liên quân Pháp và Tây Ban Nha vào năm 1859. Đặc biệt, được quan tâm nhiều là câu chuyện chính sách của nhà Nguyễn thời điểm đó.
Cách đây tròn đúng 160 năm, thực dân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định năm 1859. Tuy quân Pháp hạ được thành vào thời điểm đó nhưng chưa mở rộng cuộc xâm chiếm và đến năm 1861, sau khi ký hòa ước Bắc Kinh với triều đình nhà Thanh, Pháp đã điều động toàn bộ lực lưỡng ở Viễn Đông để tấn công thành Gia Định lần thứ hai, mở đầu cho cuộc xâm lăng toàn cõi Nam kỳ.
Hai nhà nghiên cứu Trần Nam Tiến và Lê Nguyễn (từ trái qua) đã có những kiến giải thú vị liên quan đến cuộc viễn chinh Nam kỳ 1861 Về đồn Chí Hòa - địa danh quan trọng trong chiến sự năm 1861, nơi quân Pháp chiếm hạ chỉ trong ngày 24-2 có liên quan gì với địa danh Kì Hòa?
Trước thắc mắc của nhiều độc giả có mặt, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn cho biết, sau thời gian vào Gia Định theo lệnh của Vua Tự Đức, Nguyễn Tri Phương đã có thời gian nghiên cứu địa hình địa vật, từ đó xây dựng nên đồn Chí Hòa. Đồn Chí Hòa trải dài từ khu vực chợ Hòa Hưng đến quá ngã tư Bảy Hiền ngày nay. Đồn gồm 3 đồn nhỏ: đồn Tiền, đồn Tả và đồn Hữu, trong đó đồn Tiền là đồn chính thức trải dài 3 cây số.
Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, trên thực tế, người dân chúng ta gọi là Chí Hòa, nhưng người Pháp viết thành “Chi Hoa” trên các văn kiện của Pháp, có lúc đọc và viết chệch thành “Ki Hoa”. Từ đó về sau, từ chữ “Ki Hoa” vào năm 1861 một số sách báo Việt Nam viết thành “Kì Hòa”, về sau chúng ta sử dụng song song “Chí Hòa” và “Kì Hòa” như ngày nay.
Một độc giả đặt câu hỏi giao lưu với các nhà nghiên cứu Việc xuất bản cuốn sách Nam kỳ viễn chinh ký 1861 được hai nhà nghiên cứu Lê Nguyễn và Trần Nam Tiến đánh giá cao. Là người trong cuộc nên tác giả Léopold Pallu có những tường thuật chi tiết sự tương quan giữa quân đội Pháp và quân đội nhà Nguyễn, mưu đồ của thực dân Pháp, tình hình xã hội - kinh tế - quân sự của nhà Nguyễn, đồng thời phản ánh phần nào cuộc kháng chiến quật cường của người dân Nam kỳ chống lại tư tưởng chủ hàng, chủ hòa của triều đình và trước sức mạnh quân sự của giặc xâm lăng.
Nhà nghiên cứu Trần Nam Tiến đánh giá: “Léopold Pallu là người trực tiếp tham gia cuộc chiến và cũng đã ghi chép rất nhiều về các lực lượng người Pháp, Tây Ban Nha một cách rất chi tiết các số liệu. Do đó, nó sẽ giúp cho những người nghiên cứu ở Việt Nam có sự đối chiếu, từ đó có cái nhìn thực chất hơn về tương quan lực lượng của hai bên. Bởi vì thậm chí kho từ liệu của Việt Nam do nhà Nguyễn ghi chép cũng không đầy đủ nữa”.
Chương trình có sự tham dự của rất đông các bạn trẻ mong muốn tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của dân tộc Tuy nhiên, cũng theo nhà nghiên cứu Trần Nam Tiến, cuốn sách thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Đối với bạn đọc, là những người muốn tìm hiểu về vấn đề này thì có thể tìm thấy ngay được những hình ảnh, mô tả rất sinh động. Đặc biệt, tác giả đã đề cập đến sự phản kháng của phía bên kia - tức Nam Kỳ/Gia Định lúc bấy giờ. Điều nay theo anh là khá quan trọng.
Còn đối với những nhà nghiên cứu, theo nhà nghiên cứu Trần Nam Tiến, đây chưa phải là tài liệu gốc mà vẫn phải tiếp tục dùng nó như một kênh để tham khảo, phải đối chiếu để tìm ra nguồn tài liệu chính xác nhất.
QUỲNH YÊN