Buổi tọa đàm lần này với mục đích là diễn đàn để các nhà khoa học và những người làm công tác thực tiễn trao đổi về bảo vệ quyền trẻ em từ góc độ khoa học, quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện, góp phần đưa ra những đánh giá tổng quan về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam, hoàn thiện những quy định pháp luật về vấn đề trên.
Bên cạnh đó, tọa đàm với kỳ vọng góp phần khơi gợi, phát huy tình thương mến, ý thức trách nhiệm trong cộng đồng trước những vấn nạn xảy ra đối với trẻ em; đảm bảo mọi trẻ em có được môi trường gia đình thân thiện, tiếp cận hỗ trợ tư pháp và bảo vệ khỏi bị bạo hành, lạm dụng và bóc lột.
Giới thiệu các hệ thống bảo vệ trẻ em, cách thức chăm sóc thay thế cho trẻ em, công tác xã hội, tư pháp cho người chưa thành niên và các biện pháp khác (sức khỏe, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh…). Khuyến khích sinh viên trường Luật và các cơ sở đào tạo luật khác tìm hiểu, tham gia tích cực vào các hoạt động hỗ trợ tư pháp cho thanh, thiếu niên, góp phần chung tay cùng cộng đồng nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em Việt Nam, bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương này trước những vấn nạn phức tạp của xã hội.
Các hoạt động tại tọa đàm đã làm sinh động thêm cách tiếp cận bằng nguồn tư liệu của UNICEF; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Ngoại giao… về bảo vệ quyền trẻ em và tư pháp người chưa thành niên.
Năm 1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua Công ước về quyền trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước vào năm 1990. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện quyền trẻ em, nhiều văn bản pháp luật và chính sách để thực hiện Công ước ở Việt Nam đã được sửa đổi và ban hành. Trẻ em Việt Nam ngày nay được hưởng nền giáo dục và được chăm sóc sức khoẻ, y tế tốt hơn.