Làm không ngơi nghỉ
Trong căn nhà tại một con hẻm khá yên tĩnh trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, bà Nguyễn Thị Ánh Dung, Tổ trưởng Tổ dân phố 86, Trưởng Ban Công tác mặt trận khu phố 5, phường 25, quận Bình Thạnh, chăm chú lập danh sách những hộ khó khăn để nhận hỗ trợ. Vậy nhưng công việc liên tục bị ngắt quãng bởi các cuộc gọi của bà con hỏi xin tiếp tế nhu yếu phẩm, đăng ký tiêm vaccine…
“Tôi làm tổ trưởng đã hơn 20 năm. Đảng ủy phường còn phân công kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác ở khu phố. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tổ trưởng có thêm rất nhiều việc để thực hiện. Bận rộn thật đó, nhưng nhờ mình có thời gian dài sâu sát với bà con nên cũng không khó giải quyết lắm”, bà Ánh Dung cho biết.
Cũng như các tổ dân phố khác, bà Ánh Dung đã vận dụng công nghệ thông tin để quản lý địa bàn. Ngay khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, trang Zalo tổ dân phố được thiết lập và cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh, đời sống khu dân cư. Từ bổ sung danh sách hỗ trợ đến xét nghiệm, tiêm vaccine, phiếu đi chợ… đều được thông báo kịp thời để bà con thông suốt.
“Tổ dân phố có hơn 100 hộ với khoảng 400 nhân khẩu, trong đó gần chục hộ cho công nhân, người lao động, sinh viên thuê nhà, thuê phòng. Cứ mỗi lần có nhu yếu phẩm trên phường, khu phố chuyển xuống, tôi vội vàng phân chia cho các hộ, kể cả người thuê trọ. Dịch giã lây lan cũng sợ chứ, nhưng mình không làm thì ai làm đây”, bà Ánh Dung tâm sự.
Từ khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, những tổ trưởng tổ dân phố như bà Ánh Dung chưa hề nghỉ ngơi. Khi thì phát phiếu thông tin tuyên truyền phòng chống dịch đến người dân, lúc lại hỗ trợ cán bộ y tế truy vết, xét nghiệm, tiêm vaccine, rồi tiếp tế nhu yếu phẩm…
Nói như ông Việt Huy (ngụ phường 1, quận Gò Vấp): “Thực lòng mà nói, tôi biết nhiều hơn đến ông tổ trưởng kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bây giờ cái gì tôi cũng liên hệ với tổ trưởng, từ xin phiếu đi chợ, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine… Rất chân thành chia sẻ và biết ơn”.
Cần được chia sẻ, cảm thông
Tổ trưởng tổ dân phố là cầu nối giữa người dân với chính quyền, rất gần dân, hiểu dân, nhưng có những lúc không được người dân thấu hiểu, không được cán bộ phường chia sẻ, hỗ trợ. Ông N.N.P., ở phường Tân Thuận Đông, quận 7, bức xúc kể: “Sáng 17-7, người dân ở hẻm 53 Bùi Văn Ba khá bực bội với việc bà tổ trưởng bị cô cán bộ ở phường lớn tiếng quát mắng. Chuyện là phường chuyển một số phiếu cho bà tổ trưởng đưa cho người dân ghi trước thông tin để xét nghiệm. Không biết bà tổ trưởng phát thế nào mà bị thiếu phiếu nên đi xin thêm cho bà con. Thế mà cô cán bộ mắng bà tổ trưởng xối xả”.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, sự nhiệt tình tham gia chống dịch cùng chính quyền của các tổ trưởng tổ dân phố có vai trò quan trọng nhưng chẳng khác nào làm dâu trăm họ.
“Thời điểm này, chúng tôi phải kịp thời nắm bắt tình hình để còn thông báo cho bà con. Vừa qua, mấy đợt hỗ trợ của thành phố, mình phải đi đến từng nhà tìm hiểu thêm đời sống của bà con để bổ sung danh sách. Mình sâu sát dân nên hộ nghèo, hộ khó biết ngay nhưng vẫn lo thiếu sót”, ông Dương Văn Tài, Tổ trưởng Tổ dân phố 4, ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, thổ lộ.
Giãn cách xã hội, dịch lây lan rộng, ai cũng ngại tiếp xúc, ra đường, nhưng tổ trưởng tổ dân phố phải đi liên tục, bất kể ngày đêm. Bà Lê Thị Ngọc Bối, Tổ trưởng Tổ dân phố 46, khu phố 3, phường 19, quận Bình Thạnh, cho biết: “Mình đã thông báo trên trang Zalo rồi, đã đến từng nhà hỏi và gửi phiếu. Nhưng vẫn còn vài người chưa có phiếu tiêm chủng nên họ gọi, nhắn tin liên tục. Hơn 8 giờ tối cũng ráng tranh thủ đưa cho bà con để kịp tiêm chủng đợt này, chứ không lỡ mất”.
Vì cái chung của cộng đồng, xã hội, các tổ trưởng tổ dân phố đã thu xếp việc riêng gia đình để làm tròn trách nhiệm của mình. Vậy nhưng đây đó vẫn còn không ít lời ta thán, phê bình của người dân ở một vài khu phố, khu cách ly y tế, phong tỏa tạm thời về việc chưa được tổ trưởng quan tâm, hỗ trợ lương thực, phát phiếu đi chợ… Có thể có người này người khác, nhưng nhìn chung những tổ trưởng tổ dân phố trong mùa dịch cần được cảm thông, chia sẻ, thậm chí biết ơn.