Tô thắm hình ảnh người lính Cụ Hồ

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, phong trào thi đua đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng qua các thời kỳ trong lực lượng vũ trang Quân khu 7.

Tận tụy với nghề

Từ lâu, điều dưỡng CKI Trần Thị Quỳnh Mai, Trưởng ban Điều dưỡng Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Cục Hậu cần Quân khu 7 được nhiều người yêu quý vì sự tận tụy với công việc, với bệnh nhân.

K3a.jpg
Tiết mục văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 77 trong hội thi “Chiến sĩ phòng không với bầu trời Tổ quốc”

Sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh, có mẹ là y sĩ, chị Mai từ nhỏ đã không ít lần được chứng kiến mẹ tiếp xúc với vết thương, với máu, bông băng, thuốc sát trùng… Những năm tháng tuổi thơ, chị Mai nhiều lúc rất “ghét” hai từ bệnh viện vì thấy mẹ thường phải trực đêm nhiều, ít có thời gian dành cho gia đình. Thế nhưng, tình yêu với màu áo blouse đã nhen nhóm trong lòng chị từng chút một mỗi lần thấy mẹ trở về nhà cùng niềm vui, câu chuyện tham gia cấp cứu thành công cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân nghèo có tiền chữa trị…

“Từ tình yêu của mẹ, tôi nhận ra rằng nghề y không phải chỉ có máu me, không chỉ có vất vả mà còn có niềm vui, niềm tự hào khi có thể giúp đỡ nhiều bệnh nhân”, chị Mai chia sẻ.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp ngành y, chị về làm việc tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông. Trong 20 năm công tác tại bệnh viện, trăn trở lớn nhất của chị là làm sao để người bệnh đến với bệnh viện được thoải mái như ở nhà, không cảm thấy bị cô đơn. Muốn làm được như vậy, người điều dưỡng ngoài chuyên môn giỏi cần gần gũi, chăm sóc và phục vụ bệnh nhân như người thân trong gia đình.

Theo chị Mai, 80% thời gian của điều dưỡng là chăm sóc, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nên phải phát huy được tình yêu thương, đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau, nỗi buồn, lo lắng của người bệnh. Chưa kể, các chị còn có một sứ mệnh quan trọng khác là góp phần gắn kết tình cảm giữa nhân dân và đội ngũ y, bác sĩ, trong đó có không ít người là bộ đội Cụ Hồ.

Chị chia sẻ với tôi về kỷ niệm khó quên, cũng là bài học đáng nhớ nhất trong những năm làm nghề. Cách đây gần 10 năm, khi đang là điều dưỡng trưởng Khoa Nội tổng hợp, trong một ca cấp cứu cho bệnh nhân, chị không may bị phơi nhiễm. Đó là một ca bệnh xơ gan giai đoạn cuối, viêm gan B rất nặng nằm ở phòng hồi sức cấp cứu trong tình trạng ngừng tim nhưng không thể đặt được kim luồn, điều dưỡng viên đã nhờ chị hỗ trợ.

Trong tình huống nguy cấp, chị Mai nhận kim từ tay đồng nghiệp đang đặt cho bệnh nhân và vô tình bị mũi kim đâm vào tay. Không mất bình tĩnh, chị đã nhanh chóng đặt đường truyền và tham gia cấp cứu thành công người bệnh, xong xuôi mới đi xử lý vết thương. 3 tháng sau, chị nhận kết quả phơi nhiễm virus viêm gan B trong một lần khám sức khỏe kết thúc...

Đại tá, bác sĩ Trương Hoàng Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y miền Đông, chia sẻ, điều dưỡng Trần Thị Quỳnh Mai là tấm gương của sự tận tâm, tận tụy với nghề, luôn trách nhiệm và hết lòng vì người bệnh, với đồng nghiệp luôn gần gũi, quan tâm, giúp đỡ; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do đơn vị và ngành y tế phát động.

Người chiến sĩ tài hoa

Với Lữ đoàn Phòng không 77, Quân khu 7, các cán bộ, chiến sĩ phòng không ngoài là “lá chắn thép” bảo vệ bầu trời TPHCM, còn được nhớ đến là những nghệ sĩ tài hoa trên sân khấu. Đó là kết quả của mô hình tiêu biểu “Chiến sĩ phòng không với bầu trời Tổ quốc”, được đơn vị triển khai và duy trì từ năm 2005 đến nay. Mô hình được tổ chức dưới dạng hội thi kết hợp sân khấu hóa, tiến hành 4 bước theo đặc thù nhiệm vụ của bộ đội phòng không: Hành quân - Chiếm lĩnh - Hiệp đồng - Không kích; được tổ chức hàng tháng ở cấp đại đội, hàng quý ở cấp tiểu đoàn, 6 tháng và hàng năm ở cấp lữ đoàn.

Nội dung tập trung tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho bộ đội về nhiệm vụ, chấp hành pháp luật, kỷ luật, hiểu biết xã hội, lịch sử truyền thống; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lịch sự; ca ngợi tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân gắn bó; lan tỏa hình ảnh, phẩm chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, về người chiến sĩ phòng không miền Đông Nam bộ.

Theo Trung sĩ Giang Lê Thuận Thiên, Khẩu đội trưởng, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, trước mỗi hội thi, các chiến sĩ đã tự tìm tòi học hỏi, sáng tạo từ việc xây dựng kế hoạch, kịch bản, phối hợp các đơn vị kết nghĩa tổ chức luyện tập... Từ những chiến sĩ ngày đêm luyện tập trên thao trường, anh cùng đồng đội đã hóa thân thành các liền anh, liền chị, diễn viên, ca sĩ không chuyên... trong không khí vui vẻ, ấm áp tình đồng đội.

Đại tá Lương Khắc Quang, Chính ủy Lữ đoàn Phòng không 77, cho biết, công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua quyết thắng là một yêu cầu trong tổ chức phong trào thi đua. Đối với mô hình “Chiến sĩ phòng không với bầu trời Tổ quốc”, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn, cơ quan chính trị luôn quan tâm, chú trọng phát huy trí tuệ, sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ đề xuất nhiều sáng kiến mới, cách làm hay. Qua đó, thu hút ngày càng đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên và học sinh, sinh viên các đơn vị kết nghĩa trên địa bàn đóng quân tham gia, hưởng ứng tích cực.

Tối 10 -7, Quân khu 7 tổ chức Chương trình giao lưu, tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng Lực lượng vũ trang Quân khu 7, giai đoạn 2019-2024. Dự chương trình có các đồng chí: Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc, Phó Chính ủy Quân khu 7; Thiếu tướng Lê Xuân Thế, Phó Tư lệnh Quân khu; Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM.

5 năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai toàn diện, đồng bộ, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua quyết thắng; để lại nhiều dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực công tác. Qua đó, phong trào thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang Quân khu giai đoạn 2019-2024 đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực.

Tại buổi giao lưu, Quân khu 7 tặng bằng khen cho 40 tập thể và 37 cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang Quân khu, giai đoạn 2019-2024.

Tin cùng chuyên mục