Video: Những gian hàng tò he thu hút du khách ngày đầu năm |
Lựa cho con trai một chú rồng được nặn tỉ mỉ, phối hợp màu sắc bắt mắt, uốn lượn trên que tre, chị Tuyết (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cũng không giấu niềm háo hức. Chị còn tự tay lựa thêm cho mình một chú heo tròn ủm, ngộ nghĩnh.
Chị cho biết, đã lập nghiệp và sinh sống tại TPHCM hơn 10 năm nay, quê gốc của chị ở Thái Bình. Những con tò he là một phần ký ức tuổi thơ nên khi nhìn thấy, xen lẫn cảm giác thích thú là sự bồi hồi. Chưa kể, cậu con trai hơn 10 tuổi cũng rất thích thú nên muốn mua bằng được.
Gian hàng tò he của anh Sự tại lễ hội hoa xuân trong công viên Tao Đàn |
Nhiều vị khách như chị Tuyết đến với gian hàng tò he của anh Nguyễn Văn Sự (quê huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cũng có chung lý do. Gian hàng nhỏ nhắn của anh nằm ngay dưới tán cây cổ thụ trong công viên Tao Đàn. Anh kể, từ khi lễ hội hoa xuân TPHCM khai mạc, anh đã bán ở đây.
Chiếc bàn nhỏ được đục những lỗ trên mặt xốp dùng để cắm những con tò he đủ màu sắc. Ngoài các con giáp truyền thống: trâu, rồng, mèo, chuột, heo, chó…, anh còn nặn thêm rất nhiều bông hoa hồng, nàng tiên cá, khủng long, doraemon, thỏ, siêu nhân…
Bàn tay thoăn thoắt đang nặn một tò he công chúa, anh cho biết: “Tôi đã có hơn 20 năm làm nghề này. Khách đến đây đa phần vì tò mò nên ghé lại chụp hình, mua cho con chơi”.
Những gian hàng bán tò he tại lễ hội hoa xuân công viên Tao Đàn |
Trong khuôn viên lễ hội tại công viên Tao Đàn có 3 gian hàng bán tò he. Tuy nhiên, khu vực bày bán của anh Sự đông hơn cả bởi không gian rộng rãi, khách lại được trực tiếp xem anh nặn tò he và tư vấn. Giá mỗi con tò he trung bình 30.000 đồng. Một số gian hàng khác đề giá 30.000 đồng/con và 50.000 đồng/2 con.
Giữa không gian tấp nập của Đường hoa Nguyễn Huệ, ngay góc ngã tư với đường Lê Lợi gian hàng tò he của cô Nguyễn Thị Thanh (ngụ huyện Hóc Môn) cũng nổi bật bởi hàng trăm con tò he đủ loại màu sắc, kích thước. Những con tò he ở đây được bán với giá mềm hơn, 20.000 đồng/con nhỏ và 40.000 đồng/con lớn.
Khách ghé thăm đường hoa, có cả những vị khách nước ngoài vì tò mò nên đến chụp hình, quay clip và một vài người cũng dừng lại mua cho con, cháu chơi.
Cô Thanh bên quầy tò he đầy màu sắc của mình |
Anh Quang Huy (ngụ quận 12, TPHCM) nhờ cô Thanh nặn cho mình một chú chuột như một món quà đầu xuân cho cậu con trai sinh vào năm này.
Với đôi tay thoăn thoắt, chỉ khoảng 5 phút sau đã có chú chuột trắng nhưng lại được điểm tô thêm vài họa tiết, mà theo lời cô Thanh đây là chú chuột hoa, vì nó được tạo ra giữa không gian của Đường hoa Nguyễn Huệ.
Vừa làm, cô không ngừng kể chuyện về cuộc đời mình vốn gắn liền với món đồ chơi truyền thống đã có tuổi đời cả trăm năm. Nghề bán tò he vốn là gia truyền của gia đình. Cô được cha truyền nghề lại từ thời cô còn con gái.
Nhiều gia đình có trẻ nhỏ thích thú ghé lại lựa tại quầy của cô Thanh |
Từng có nhiều năm mưu sinh ở Hà Nội rồi vào miền Nam, dừng chân ở TPHCM lập nghiệp, cô vẫn quyết định giữ nghề. Thấm thoắt, cũng đã hơn 20 năm cô đi theo con đường này. Mấy người con của cô đến nay cũng có một người theo mẹ làm nghề.
"Cha tôi vốn là người làm tò he nổi tiếng khéo léo, đặc biệt kỹ thuật sử dụng dao. Cha mất lâu rồi nhưng chúng tôi vẫn luôn tâm niệm phải giữ nghề, nếu bỏ thì sẽ không còn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Thu nhập từ nghề lúc nhiều, lúc ít nhưng tôi tâm niệm mình có thể ăn ít đi một chút miễn sao vẫn giữ được nghề này".
Bày gian hàng bán ở đường hoa Nguyễn Huệ từ ngày khai mạc, cô cho biết sức mua khá chậm, chủ yếu mọi người dừng lại xem, chụp hình vì thấy lạ lẫm. Trước đó, vào ngày thường, cô chủ yếu bày hàng bán ở Khu du lịch Bình Quới.
Hỏi chuyện mới biết, hóa ra anh Sự lại là cháu của cô (con của anh trai cô). Cô Thanh cho biết, anh Sự trước đây từng có một thời gian ngưng làm nghề rồi chuyển qua làm lái xe, hàn xì. Nhưng trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những con tò he đầy màu sắc nên không thể bỏ, anh quay lại vừa mưu sinh, vừa giữ nghề truyền thống.
Ở TPHCM, trong không gian của những ngày lễ hội đầy màu sắc, nếu ghé chân đến lễ hội Tết Việt tại Nhà văn hóa thanh niên, ngay khu cổng chính du khách cũng dễ bắt gặp gian hàng tò he với vài trăm con được bày biện của hai cha con nghệ nhân Lê Văn Trùy và Lê Xuân Tùng. Họ cũng là những người con của mảnh đất tò he truyền thống huyện Phú Xuyên.
Gian hàng tò he của nghệ nhân Lê Văn Trùy tại lễ hội Tết Việt ở Nhà văn hóa Thanh niên |
Bên cạnh những món đồ chơi hiện đại là các loại lego, đồ chơi nhựa… giá thành rẻ, đủ chủng loại…, những gian hàng tò he như một nét chấm phá, điểm tô thêm không gian cho các lễ hội xuân sắc màu ở mảnh đất phương Nam nắng gió.
Tò he đã du nhập, theo chân những nghệ nhân vào TPHCM với mong muốn lan tỏa một nét đẹp văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Nhưng tò he vẫn còn ở đó, bởi với không ít người, tò he là một phần ký ức của tuổi thơ. Và với một số du khách, trong đó có cả khách nước ngoài, tò he gợi lên sự tò mò, thích thú được khám phá.