Ai đã có một tuổi thơ gắn bó với thôn quê êm đềm với lũy tre, gốc đa, ruộng lúa, bờ đê, con kênh… ắt hẳn cũng sẽ yêu mến những con tò he mộc mạc mà rất sinh động đến từ làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Với tôi, tò he không chỉ có sức hấp dẫn kỳ lạ mà còn là món quà tràn đầy kỷ niệm thời thơ ấu.
Thuở còn thơ, mỗi khi thấy mẹ cắp thúng đi chợ là tôi lẽo đẽo chạy theo sau vòi vĩnh mua cho bằng được mấy món đồ chơi tò he. Tò he sinh ra ở đâu, tôi chỉ nghe mang máng qua lời mách bảo của người thợ nặn ra chúng đem bày bán ở chợ quê tôi mà thôi. Bởi thế, ước mơ được một lần đến tận nơi, tận mắt chứng kiến mảnh đất tò he “chôn nhau cắt rốn” cứ đeo đẳng theo tôi đi qua tuổi thơ, rồi qua luôn cả thời “bẻ gãy sừng trâu”… của mình.
Buổi sớm ngày nghỉ cuối tuần, vừa đặt chân đến Xuân La, tôi bắt gặp hình ảnh các cụ già, thanh niên nam nữ và cả những em nhỏ còn chưa đến tuổi vào lớp 1 đang say sưa véo bột nặn và tô màu để nên những bông hồng đỏ thắm, những chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, những cô thôn nữ mớ bảy mớ ba rực rỡ sắc màu... hay hình tượng anh hùng dân tộc Thánh Gióng cưỡi ngựa nhổ tre đánh giặc và Sơn Tinh đang vượt lên trên sóng dữ…
Những hình ảnh ấy đã cho thấy nghề nặn tò he của người Xuân La luôn có sức sống trường tồn, vượt lên giới hạn của một nghề mưu sinh để trở thành nét văn hóa dân gian giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử và cội nguồn dân tộc Việt Nam mấy ngàn năm văn hiến.
Ông Nguyễn Công Doanh, Chủ tịch UBND xã Phượng Dực tự hào rằng: “Chúng tôi có cái nghề độc nhất vô nhị ở làng Xuân La khiến nhiều khách nước ngoài phải thán phục trước hình hài của những sản phẩm được nặn ra một cách tinh xảo, đáng yêu. Cùng với thời gian, tò he ngày càng đa dạng và phong phú về chủng loại, góp phần làm cho trẻ em thêm tự hào về truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc, thêm yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, con người hơn. Hiện nay, thôn Xuân La thường xuyên có tới vài trăm người đi nặn tò he để bán ở khắp mọi nơi, nhiều gần gấp đôi so với chục năm về trước”.
Xuân La, “vương quốc” của tò he lần đầu tiên tôi ghé thăm đã trở thành điểm nhấn trong quy hoạch du lịch và dịch vụ làng nghề hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi mừng lắm, đây sẽ là cơ hội để các giá trị văn hóa truyền thống được khẳng định và tôn vinh qua bàn tay của người thợ nặn mà tái hiện lên cả một thế giới cổ tích sống động với những công chúa, hoàng tử, thuyền rồng, hoa trái… bằng bột.
Anh Đặng Văn Hổ, một trong những nghệ nhân tài hoa của làng Xuân La thường xuyên được Bảo tàng Dân tộc học mời lên nặn tò he cho khách nước ngoài tham quan, tâm sự: “Nghề nặn tò he không chỉ tạo ra việc làm cho bà con những lúc nông nhàn mà còn là nghề tạo nên nét văn hóa cổ truyền dân tộc. Có niềm tự hào nào hơn cho quê hương chúng tôi vì trong tương lai không xa sẽ trở thành điểm tham quan làng nghề độc đáo nằm theo chuỗi các điểm du lịch làng nghề nổi tiếng ở phía Nam Hà Nội như: thêu Quất Động, đan cỏ tế Phú Túc, giày da Phú Yên…”.
Theo ông Đào Duy Mến, Bí thư chi bộ thôn Xuân La, nghề nặn tò he có lịch sử lâu đời: “Khoảng trên dưới 300 năm trước, xuất phát từ tình thương con trẻ mà các cụ lấy đất nặn thành những con chim, con cò, con công đem vào lò nung, sau đó chọn gạch non quét lấy màu. Khi thổi phát ra tiếng kêu te te, từ đó gọi là tò he. Sau này người ta lấy bột nếp về nặn cho trẻ con chơi xong có thể ăn ngay được. Bởi thế, đến nay tất cả bà con chúng tôi đều thuộc câu: Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò. Chim cò ở đây là những con vật gần gũi với đời sống nông nghiệp được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ và được gọi là tò he”.
Tuy một số nghệ nhân trứ danh của làng Xuân La từng đem tò he ra nước ngoài giới thiệu như cụ Đặng Văn Tố, Nguyễn Văn Thuận… đã qua đời, song cái hồn của bản sắc văn hóa và lịch sử dân tộc từ những con tò he giàu tính nhân văn ấy vẫn còn đọng lại ở không ít người Mỹ trong dịp kỷ niệm 10 năm văn hóa Việt Nam - Hoa Kỳ (tổ chức tại Mỹ). Đồng thời, tại hội chợ quốc tế Expo – Aichi ( Nhật Bản) nghề nặn tò he vinh dự được chọn làm đại diện cho các nghề truyền thống của nước ta “xuất ngoại” để giới thiệu nét đặc sắc văn hóa cho bạn bè quốc tế biết. Đây quả là niềm tự hào lớn lao của dân làng Xuân La.
Tự hào là thế đấy! Lớp lớp thế hệ người làng Xuân La chẳng bao giờ ngừng gửi gắm tâm hồn mình vào những con tò he mộc mạc và giản dị, giống như chính cuộc sống ở làng quê chất phác của họ vậy. Sau gần một tháng nặn tò he bán ở hội Chùa Hương về, anh Nguyễn Tiến Minh thổ lộ: “Thời buổi đồ chơi Trung Quốc lấn át, mỗi que tò he chỉ bán được với giá 5.000 - 6.000 đồng. Tôi cũng như mọi người trong làng, một phần tìm đến các hội hè kiếm thêm thu nhập, phần nữa là muốn giữ lấy cái nghề cổ truyền của quê hương, chứ khó mà làm giàu cho bản thân và gia đình”.
Trong cuộc sống kinh tế thị trường hôm nay, khi mà nhu cầu của con người đều hướng tới tiêu chí “nhanh, gọn, tiện” thì khó có trò chơi nào như tò he để trẻ em vừa được chơi lại vừa được hồi hộp chứng kiến sự khéo léo của những người thợ nặn. Đó là nét độc đáo tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của những con tò he.
TÔ VĂN BINH