Biết anh mang mặc cảm, Tổ trưởng tổ dân phố thường đến nhà chuyện trò, vừa giải tỏa tâm tư anh A., vừa động viên anh quyết tâm vượt lên chính mình, đoạn tuyệt với ma túy, trở thành người có ích cho xã hội.
Nhằm tạo điều kiện cho anh A. ổn định cuộc sống, không bị bạn bè xấu lôi kéo quay lại con đường cũ, địa phương giúp gia đình anh vay 30 triệu đồng từ Quỹ giải quyết việc làm. S
ố tiền này dùng để giúp anh A. mua phương tiện hành nghề chạy xe ôm. Đến nay anh từ bỏ được ma túy, đang từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Em gái anh A. sau khi cai nghiện cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ thẻ BHYT, giới thiệu việc làm, hiện đang có việc làm ổn định tại một trường học. Vượt qua mặc cảm vì quá khứ lầm lỡ, cô chăm chỉ làm việc, nhận được sự yêu mến của nhiều thầy cô và học sinh trong trường.
Mẹ anh A. tâm sự: “Dù các cháu có quyết tâm làm lại cuộc đời đến đâu mà không được mọi người thông cảm, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ thì sẽ không vượt qua được mặc cảm của bản thân và cũng không có cơ hội bước về phía trước. Các cháu được như bây giờ là nhờ xã hội không bỏ rơi những người đã từng lầm lỗi”.
Ông Trần Văn Chính (ngụ 34 Lý Tuệ, khu phố 4, phường Tân Quý, quận Tân Phú) tham gia dân công hỏa tuyến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nay bị bệnh nằm liệt một chỗ. Vợ chồng ông lớn tuổi, sống cùng con trai và cháu nội năm nay học lớp 1.
Sinh hoạt cả nhà phụ thuộc vào thu nhập của người con trai hơn 5 triệu đồng/tháng, lại còn phải lo tiền thuốc men cho ông Chính nên gia đình rất khó khăn. Cả gia đình sống trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, thấm dột nhiều nơi.
Mùa mưa đến, trong nhà bày nhiều xô chậu để hứng nước chảy xuống. Tấm trần la phông đã cũ, bị sập, phải sửa lại mới ở được. Chia sẻ phần nào hoàn cảnh khó khăn đó, từ tháng 11-2017, Ban điều hành khu phố 4 vận động một “đảng viên 76” (đảng viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên sinh hoạt với cấp ủy và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú theo Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị - PV) làm mạnh thường quân hỗ trợ mỗi tháng cho gia đình ông Chính 10kg gạo, dầu ăn, đường, bột ngọt, nước mắm...
Mới đây, Ban điều hành khu phố cũng đề nghị Ủy ban MTTQ phường ủng hộ 15 triệu đồng và vận động từ người dân trong khu phố 14,7 triệu đồng để chống dột, thay la phông cho căn nhà ọp ẹp của gia đình ông Chính. “Khu phố trưởng và tổ trưởng dân phố ở đây tốt lắm, lúc nào cũng quan tâm, chia sẻ với gia đình tôi. Những khó khăn của gia đình đều được tổ trưởng dân phố, khu phố trưởng tìm cách giúp đỡ”, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (vợ ông Chính) cảm động nói.
Trên đây là những trường hợp điển hình trong số hàng ngàn trường hợp được giúp đỡ từ mô hình “Tổ dân phố nghĩa tình” ở quận Tân Phú, TPHCM.
Mô hình được thực hiện thí điểm tại khu phố 3, phường Tây Thạnh vào năm 2011, nhằm tư vấn giải pháp, hỗ trợ cho các hộ nghèo vay vốn làm ăn, tự vươn lên thoát nghèo; cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù về địa phương để họ ổn định cuộc sống, tiến bộ. Từ hiệu quả thiết thực, mô hình được nhân rộng đến 1.152 tổ dân phố trên địa bàn quận.
Trong 7 năm qua, các tổ vận động khoảng 3 tỷ đồng chăm lo cho gần 10.000 người cao tuổi, người neo đơn; hỗ trợ thường xuyên cho 425 trường hợp với kinh phí 350 triệu đồng; trao học bổng, khen thưởng học sinh giỏi tổng cộng hơn 2,8 tỷ đồng; vận động 81 trẻ em có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường; hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng sửa chữa, chống dột; giới thiệu việc làm cho 673 trường hợp...
Với phương châm lấy sức dân chăm lo cho dân trên tinh thần tự nguyện, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng, sự thành công của mô hình “Tổ dân phố nghĩa tình” không chỉ gắn kết tình làng nghĩa xóm mà còn góp phần giải quyết các vấn đề tự quản trong cộng đồng dân cư.