Ngày 17-9, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì phiên họp thứ ba Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19. Phiên họp tập trung xem xét vấn đề vaccine phòng Covid-19 và thuốc điều trị Covid-19.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổ trưởng Tổ công tác Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp thứ 2 Tổ công tác đã thảo luận và có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyên đề về tình hình việc làm tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19. Chuyên đề được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao về tính kịp thời, ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh hiện nay.
Tại phiên họp lần này, Tổ công tác tiếp tục làm rõ một số nội dung liên quan đến vaccine phòng Covid-19 và thuốc điều trị Covid-19, từ đó có những thông tin, luận cứ xác đáng phục vụ cho công tác tham mưu cho UBTVQH, đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại phiên họp sẽ được tổng hợp, xây dựng báo cáo chung để trình UBTVQH, Quốc hội.
Cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì phiên họp về Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.
Tại phiên họp, các ý kiến cho rằng thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều cải tiến đổi mới, nhất là việc lựa chọn nội giám sát, xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, thậm chí Quốc hội khóa XIV đã tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết giám sát để theo đến cùng vấn đề giám sát. Tuy nhiên, việc thực hiện các kết luận và nghị quyết giám sát vẫn là khâu yếu, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả giám sát. Do đó, các đại biểu bày tỏ mong muốn có các thêm giải pháp đổi mới như có bộ phận theo dõi thực hiện kết luận giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; có chế tài xử lý trách nhiệm…
Các đại biểu dự họp cũng đề nghị tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH, tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất quy trình giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.
Đề xuất sửa gấp một số quy định để phù hợp với CPTPP và thích ứng điều kiện dịch bệnh
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ ba, chiều 17-9, UBTVQH đã nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án BLTTHS. Đây là dự án do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì thẩm tra.
Theo hồ sơ dự án được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, dự thảo sửa đổi lần này chỉ tập trung sửa đổi những quy định có liên quan trong BLTTHS để bảo đảm thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP và giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Dự thảo không mở rộng đến các nội dung khác chưa được tiến hành nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, chi tiết.
Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể “khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại”.
Bên cạnh đó, để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm “kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm” đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn; đồn công an).
Theo tờ trình dự án luật, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay thì công an xã càng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở. Việc bổ sung như trên là cần thiết để tăng cường vai trò của công an xã, đồng thời kịp thời giảm tải cho cơ quan điều tra công an cấp huyện; giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự của cơ quan điều tra công an cấp huyện do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Một số điều khoản khác được bổ sung, sửa đổi cũng nhằm mục đích thích ứng với điều kiện dịch bệnh, như Khoản 1 Điều 148 đã bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Khoản 1 Điều 229 được sửa theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra, nhưng đã hết thời hạn điều tra…
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua luật này tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình rút gọn để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP và giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.