Lực lượng nòng cốt ở thôn, xã
Trước đây, để giải quyết các thủ tục hành chính, ông Ngô Tấn Danh (SN 1967, trú thôn Bàu Cầu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phải lặn lội đến UBND xã, giờ đây ông chỉ cần đến nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Bàu Cầu ngay tại khu dân cư thôn để gửi thông tin cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng.
“Khi đến nhà văn hóa, tôi được hướng dẫn cung cấp thông tin cần thiết để làm thủ tục hành chính như cấp thẻ hộ cận nghèo, hộ nghèo cũng như làm giấy khai sinh… Điều này khá tiện lợi vì mình có thể tranh thủ lúc rảnh để đến gửi thông tin cũng như không cần phải đến UBND xã, tiết kiệm thời gian, quãng đường”, ông Danh nói.
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Bàu Cầu. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Kế thừa sau những ngày áp dụng giấy đi đường năm 2021, tổ công nghệ số cộng đồng thôn Bàu Cầu có 5 thành viên với nhiều thành phần và trang bị 2 máy tính kết nối internet. Tại đây, nhiều thủ tục hành chính đã được hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp.
Theo ông Ngô Văn Lâu, thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng thôn Bàu Cầu, công việc của các thành viên là hướng dẫn cách sử dụng các ứng dụng hỗ trợ, nhập thông tin cần thiết để thực hiện thủ tục hành chính theo nhu cầu. Quan trọng hơn là làm cho người dân hiểu và tin vào việc ứng dụng số mang lại giá trị to lớn trong đời sống.
“Người dân không phải lên tập trung đông đúc ở UBND xã cũng như mất thời gian vì chờ đợi. Khi được duyệt, tổ công nghệ số cộng đồng trả kết quả cho người dân”, ông Lâu cho hay.
Tổ cộng đồng chuyển đổi số hướng dẫn người dân cập nhật thông tin tiêm vaccine. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Cũng theo ông Lâu, thời điểm dịch Covid-19, mặc dù chưa có tên gọi là tổ công nghệ số cộng đồng như hiện nay nhưng với cách vận hành vậy, các thành viên hỗ trợ người dân cấp giấy đi đường, thống kế người tiêm vaccine, cung cấp nhu yếu phẩm,… Đây như “ủy ban thu nhỏ” trong thời điểm dịch Covid-19.
Gần 2.500 tổ công nghệ số cộng đồng
Hiện xã Hòa Châu có 8 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 80 thành viên, hỗ trợ và hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công ngay tại thôn, tổ dân phố. Theo ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), tổ công nghệ số cộng đồng gồm nhiều thành phần là đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh,… góp phần hướng dẫn người dân tiếp cận các thủ tục hành chính trực tuyến, chuyển đổi số một cách thuận tiện, dễ hiểu nhất. Mỗi thôn đều tạo nhóm zalo, message,… trao đổi các hoạt động. Các thành viên của tổ cũng được tập huấn thường xuyên về chuyển đổi số.
Trả kết quả trực tuyến. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Còn tại xã Hoà Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), với 10 thôn, địa phương này cũng thành lập tương ứng 10 tổ công nghệ số cộng đồng. Không chỉ vậy, xã cũng khảo sát các nội dung các thông tin cơ bản về thu nhập trung bình/người hoặc hộ, số lượng hộ kinh doanh, số hộ dân có kết nối internet (máy tính; 3G, 4G cho điện thoại di động)… để cập nhật lên hệ thống, làm cơ sở xây dựng thành công chuyển đổi số, trước hết là trong cải cách hành chính. Hiện xã đã triển khai 41 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 theo chỉ đạo từ Trung ương, TP Đà Nẵng.
Ông Trần Bùi Quốc Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), trước đây, xã chuyển, nhận thông tin qua zalo “Hòa Phước yêu thương”. Sau khi 10 tổ thành lập, sự liên kết giữa địa phương và người dân ngày càng mạnh mẽ bằng việc tiếp nhận thông tin nhanh chóng kịp thời, địa phương sẽ có phản hồi ngắn gọn, hướng xử lý đến với người dân, tạo nên tương tác hai chiều.
Yếu tố quan trọng của chuyển đổi số vẫn là con người. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Tuy vậy, cái khó khi chuyển đổi số ở địa phương vẫn là yếu tố con người. Các thành viên trong tổ là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố hầu hết tuổi cao, có những hạn chế khi tiếp cận công nghệ hiện đại; hoạt động kiêm nhiệm nhiều chức danh…Vì vậy, cần có người chuyên trách, tư vấn về công nghệ thông tin, trở thành biên chế đối với xã được mô hình điểm về chuyển đổi số.
Hiện Đà Nẵng có gần 2.500 tổ công nghệ số cộng đồng với 13.000 thành viên. Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết, đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định “Mỗi tổ dân phố/thôn là một hạt nhân trong triển khai truyền thông, hướng dẫn chuyển đổi số”.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy kinh nghiệm triển khai các hoạt động cộng đồng đến tận thôn/tổ dân phố trên địa bàn thành phố trước đây như mô hình “Thôn điện tử”, “Khu dân cư điện tử”, “Tổ Covid-19 cộng đồng”..., Sở TT-TT đã hướng dẫn cho Đoàn thanh niên – những người trẻ dễ tiếp cận công nghệ và tiếp tục tập huấn cho tổ theo nhóm xã, phường.
Để triển khai có hiệu quả nền tảng số, các nội dung phải phù hợp đặc thù của địa phương, người dân được tiếp cận theo hướng đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.