Tổ chức xe trung chuyển đến Bến xe Miền Đông mới: Đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách

Đội xe trung chuyển hành khách từ nội thành TPHCM ra Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới và ngược lại sẽ hoạt động từ ngày 1-1-2025. Đội xe này cùng với hệ thống xe buýt có trợ giá được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho hành khách, phát huy hiệu quả của BXMĐ, đồng thời khắc phục nạn xe dù bến cóc tồn tại nhiều năm nay.

Tạo thuận lợi tối đa cho hành khách

Khi đưa BXMĐ mới vào khai thác hồi tháng 10-2020, thách thức lớn nhất là làm thế nào để giúp hành khách bỏ thói quen đến BXMĐ cũ nằm ngay trong nội thành để đi thêm gần 20km ra BXMĐ mới. Thực tế cho thấy, việc điều chỉnh thói quen và tâm lý này cần nhiều công sức, thời gian. Một giải pháp đã được TPHCM triển khai là tăng cường hệ thống xe trung chuyển từ nội thành ra BXMĐ mới.

ben xe.jpg
Khách đứng chờ trước nhà xe Kim Mạnh Hùng trên đường Nguyễn Duy Dương, quận 5, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở GTVT TPHCM, cho biết, đến thời điểm này đã có 4 tuyến xe buýt có trợ giá kết nối trực tiếp vào BXMĐ mới, gồm các tuyến: số 55 (Công viên Phần mềm Quang Trung - BXMĐ mới), số 56 (Chợ Lớn - Đại học GTVT), số 76 (Long Phước - Suối Tiên - BXMĐ mới) và số 93 (Bến Thành - BXMĐ mới). Ngoài ra, tuyến buýt số 150 (bến xe buýt Chợ Lớn - Ngã ba Tân Vạn) cũng vào đón trả hành khách tại sảnh BXMĐ mới theo hướng từ TPHCM đi Ngã ba Tân Vạn thuộc địa bàn Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng lắp đặt nhà chờ xe buýt trước BXMĐ mới để kết nối các tuyến xe buýt khác có lộ trình đi qua cổng BXMĐ mới.

Kể từ ngày 1-1-2025, các đội xe chỉ chuyên trách trung chuyển hành khách từ nội thành ra BXMĐ mới và ngược lại, cũng sẽ đi vào hoạt động. Lãnh đạo BXMĐ mới cho biết, có 2 hành trình đón - trả khách. Hành trình 1 (từ BXMĐ mới đến bến xe Chợ Lớn và ngược lại) có các trọng điểm đón khách gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Trường Đại học Kinh tế, ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Thủ Đức, Bệnh viện Y khoa Phạm Ngọc Thạch… Hành trình 2 (từ BXMĐ mới đến bến xe buýt quận Tân Phú và ngược lại) có các trọng điểm đón khách như: Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2, ký túc xá khu A Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Công viên Hoàng Văn Thụ… Theo quy định, khi khách đặt vé đến BXMĐ mới, hành khách sẽ được thông báo điểm đón khách trung chuyển gần nhất.

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng cho biết, phương tiện được phép trung chuyển là xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng, sức chứa không quá 29 chỗ và 2 bên thân xe có ghi nội dung “Xe tiếp chuyển hành khách đi, đến BXMĐ mới”. Giai đoạn đầu chỉ áp dụng xe trung chuyển cho BXMĐ mới, sang giai đoạn 2 xe trung chuyển sẽ được triển khai cho tất cả các bến xe khách còn lại trên địa bàn thành phố là Bến xe Miền Tây, BXMĐ cũ, bến xe An Sương và bến xe Ngã Tư Ga. Giai đoạn 2 chỉ được triển khai sau khi việc trung chuyển hành khách đi đến BXMĐ mới ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Triệt tiêu xe dù, bến cóc?

Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, quyết định triển khai hoạt động xe trung chuyển nhằm 2 mục đích: đem lại tiện ích cho hành khách, đồng thời hạn chế tình trạng xe dù, bởi đến nay xe dù vẫn còn tái diễn ở nhiều thời điểm, khu vực tại thành phố.

Q5b.jpg
Xe khách Võ Cúc Phương đón khách ngay trước chi nhánh trên đường Nguyễn Duy Dương, quận 5, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Ngày 13-12, PV Báo SGGP đã đi theo xe khách mang biển số 60B-041.45 của nhà xe Võ Cúc Phương. Từ chi nhánh của hãng trên đường Nguyễn Duy Dương quận 5, xe chạy vào đường Hòa Hảo thuộc quận 10, khi đến gần cao ốc Ngô Gia Tự thì tấp vào lề đón khách đang chờ sẵn. Xe tiếp tục hành trình qua nhiều con đường trong nội thành, rồi rẽ qua đường Nguyễn Thị Minh Khai, đến gần giao lộ với đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) lại tấp vào đón thêm khách.

Trong khi đó, tại văn phòng đại diện của nhà xe Kim Mạnh Hùng nằm trên đường Nguyễn Duy Dương, quận 5, có khá đông hành khách đang ngồi đợi xe. Hỏi chuyện vài người, chúng tôi được biết, hành khách đến đây không cần mua vé trước, chỉ việc báo với nhân viên điểm cần đến, khi xe tới nhân viên sẽ cho khách lên xe. Sau khi lên xe, hành khách sẽ báo nơi đến cụ thể và trả tiền xe. Nếu khách tới trễ thì ngồi đợi vài phút sẽ có chuyến khác tới đón.

Theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM, đây là 2 trong 18 nhà xe “có hoạt động đón, trả khách không đúng quy định” thuộc địa bàn quận 5. Trao đổi với PV Báo SGGP, Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết, hoạt động đón trả khách không đúng quy định diễn ra ở nhiều quận huyện, từ nội thành ra quận ven. TP Thủ Đức là nơi có nhiều điểm xảy ra hoạt động đón trả khách không đúng quy định nhất với 23 điểm, đứng thứ nhì là địa bàn quận 5, thứ ba là khu vực quận 10 có 11 điểm, quận 1 có 8 điểm… Hiện nay Sở GTVT TPHCM đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng, quận huyện tổ chức kiểm tra, xử lý và gửi về sở để tổng hợp báo cáo UBND TPHCM.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ngành vận tải hành khách đường bộ, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là gắn camera khu vực xe dù hay hoạt động rồi phạt nguội. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể mở đường dây nóng để tiếp nhận tin báo từ người dân, thậm chí xem xét cơ chế trích thưởng cho người phản ánh... Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp hành chính. Muốn dẹp nạn xe dù, bến cóc hiệu quả thì cần phải tổ chức tốt hệ thống xe công cộng, như xe trung chuyển, xe buýt… để đưa đón hành khách đi đến các bến xe đầu mối nhanh với chi phí thấp nhất.

Tin cùng chuyên mục