Đây là lần thứ 2 tuần lễ được tổ chức nhằm quảng bá hàng Việt Nam tới người tiêu dùng Thái Lan, đồng thời, góp phần từng bước cân bằng cán cân thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Thái Lan.
Các nhóm hàng dự kiến trưng bày tại tuần lễ chủ yếu là bánh mứt kẹo, nước giải khát, trà, cà phê, thực phẩm đóng gói, gia vị các loại, trái cây tươi, thức ăn sẵn, hàng dệt may… Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 40 doanh nghiệp tham gia trưng bày hàng hóa tại hơn 20 gian hàng.
Việt Nam và Thái Lan hiện đang phối hợp triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại để thúc đẩy phát triển kim ngạch song phương giữa 2 quốc gia đạt 20 tỷ USD vào năm 2020. Hàng Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng chiếm lĩnh tốt hơn tại thị trường Thái Lan, điển hình như nhóm hàng trái cây và củ quả sấy khô, gia vị các loại, thủy hải sản…
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Công thương, dù Thái Lan là thị trường láng giềng, có nhiều nét tương đồng về thị hiếu tiêu dùng với Việt Nam, nhưng đây là thị trường có những yêu cầu cao về chất lượng, khắt khe hơn về an toàn thực phẩm. Do đó, để hàng Việt Nam có chỗ đứng và phát triển tại Thái Lan, các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa đồng đều, giảm giá thành và kết hợp với quảng bá sản phẩm. Về bao bì sản phẩm, các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư như in đầy đủ thông tin về sản phẩm, hướng dẫn sử dụng trên bao bì bằng tiếng Thái và tiếng Anh để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.
Trước đó, tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2016, 140 mặt hàng “Made in Việt Nam” được trưng bày và giới thiệu với người tiêu dùng Thái Lan. Bên cạnh đó, còn có các gian hàng ẩm thực thiết kế trên diện tích 550.000m² nhằm quảng bá các món ăn truyền thống của Việt Nam. Kết thúc tuần lễ, đã có khoảng 150.000 khách tới tham quan, thưởng thức các món ăn mỗi ngày.
Theo tin từ Tập đoàn Central Group Việt Nam, tập đoàn này đã chính thức xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang Thái Lan, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm kênh phân phối mới cho mặt hàng này. Đây là thành quả qua sự hợp tác của Central Group Việt Nam với tỉnh Bắc Giang cùng các nhà cung cấp. Theo đó, trái vải thiều Lục Ngạn nổi tiếng được đóng hộp với đủ thông tin như chứng nhận VietGAP, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, in logo nhãn mác bắt mắt đã có mặt trên quầy kệ của hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall (chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group) để giới thiệu đến người dân thủ đô Bangkok (Thái Lan).
Việc Central Group Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu thành công lô hàng vải thiều sang Thái Lan mở ra tín hiệu vui cho nông dân trồng vải thiều, là cơ sở để các loại trái cây khác của Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan, tận dụng các dòng thuế xuất nhập khẩu đã được cắt giảm theo cam kết của khu vực kinh tế chung ASEAN. Cách làm này cũng góp phần giảm lượng nhập siêu trái cây từ Thái Lan về Việt Nam như hiện nay.