Tham dự hội thảo có hơn 100 ĐBQH, đại diện các cơ quan tư pháp, các ngân hàng thương mại và nhiều luật gia, chuyên gia kinh tế.
Trong số các nội dung quan trọng được đề cập tại Hội thảo, bên cạnh việc phản ánh, thảo luận về những bất cập trong các quy định hiện hành và thực tế trong xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ), nhiều đại biểu nêu kiến nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quyền xử lý TSBĐ của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền xử lý TSBĐ của cơ quan tư pháp các cấp.
Các diễn giả cho rằng với vai trò là trung gian tài chính, số tiền TCTD cho vay được huy động từ người gửi tiền. Quy định hiện hành không cho phép thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của TCTD sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hồi nợ của TCTD và khi TCTD không thu hồi được nợ thì sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản, khả năng chi trả các khoản tiền gửi đến hạn đã huy động để cho vay trước đây…
Nói cách khác, việc bảo vệ quyền của khách hàng chây ỳ, vi phạm cam kết theo hợp đồng có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền hợp pháp của đa số người gửi tiền, tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn hệ thống TCTD cũng như an toàn trật tự xã hội.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO ví von rằng, đối với ngành ngân hàng, cho vay và thu nợ là hai mặt của một vấn đề, là nguyên nhân và kết quả của nhau, giống như câu chuyện giữa con gà và quả trứng.
“Nợ xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp, rõ rệt và nguy hiểm đến việc cho vay. Không thu được nợ thì cũng đồng nghĩa với không có khả năng cho vay. Thu được nợ càng ít thì cho vay càng ít và lãi suất càng cao. Nếu như người vay không còn khả năng trả nợ, mà cũng lại chẳng có tài sản bảo đảm, thì ngân hàng đành phải chấp nhận xoá nợ. Nhưng điều vô lý rất đáng lo ngại là, đa số nợ xấu của ngành ngân hàng đều có tài sản bảo đảm nhưng lại quá khó, quá chậm được xử lý để thu hồi nợ”, ông Đức phân tích.
Theo vị luật sư này, vướng mắc chủ yếu đặt ra là đối với tài sản thế chấp, trong đó hầu hết là đối với bất động sản. Tuy cùng chung một nguyên tắc Hiến định và quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của mọi người, nhưng rõ ràng quyền sở hữu của chủ nợ và của bên nhận bảo đảm tài sản là không bị hạn chế, còn quyền sở hữu đối với tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ thì đã bị hạn chế rất nhiều theo Luật và theo thoả thuận.
Ông Đức phát biểu: “Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về quyền được thu giữ tài sản bảo đảm trong “trường hợp luật liên quan có quy định khác. Việc Quốc hội ban hành một đạo luật (hiện nay đang được thể hiện dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội) là rất cần thiết và hoàn toàn thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015”.
Tất nhiên, trong mọi trường hợp, cũng chỉ đặt ra việc thu giữ tài sản bảo đảm khi đã có thoả thuận cụ thể giữa bên sở hữu tài sản bảo đảm và bên nhận tài sản bảo đảm. Khi đã tự nguyện thoả thuận đưa tài sản thuộc quyền sở hữu của mình vào cầm cố, thế chấp, chủ sở hữu tài sản cũng đã đồng ý cho phép tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm khi không trả được nợ đến hạn. Do vậy, việc thu giữ tài sản bảo đảm thực ra chỉ là một khâu hỗ trợ cần thiết để có thể xử lý phát mại, chuyển giao quyền sở hữu tài sản bảo đảm trên thực tế.