Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Tổng giám đốc tổ chức tài chính vi mô CEP, mục tiêu chuyển đổi mô hình hoạt động của CEP là nhằm xây dựng và phát triển CEP thành tổ chức tài chính vi mô tuân thủ luật các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó là tiếp tục mở rộng phạm vi phục vụ cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động, người có thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Sau khi chuyển đổi, hoạt động của CEP sẽ gồm huy động vốn với hình thức nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam và vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, các cá nhân, tổ chức khác trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; được phép mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại; cấp tín dụng dưới hình thức cho vay. Ngoài ra, CEP sẽ ủy thác, nhận ủy thác cho vay vốn, cung ứng các dịch vụ tư vấn tài chính liên quan đến lĩnh vực tài chính vi mô, cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ…
“Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi, CEP vẫn kiên trì mục tiêu chính là đồng hành cùng người nghèo” - bà Nguyễn Thị Hoàng Vân khẳng định.
Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến ghi nhận nỗ lực của CEP suốt 26 năm qua trong việc góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo của TPHCM. Thời gian tới, CEP cần kiên trì mục tiêu hoạt động phi lợi nhuận, phát huy giá trị cốt lõi, tận tụy mang đồng vốn đến tận tay người lao động nghèo, trong đó có đội ngũ công nhân lao động. CEP cần bám sát thực tế, thông qua tổ chức công đoàn thành phố để đề xuất với lãnh đạo thành phố các giải pháp cụ thể để hỗ trợ nguồn vốn cho người lao động nghèo nói riêng và người dân nghèo thành phố sao cho phù hợp, hiệu quả. Hiện tại, CEP đang phục vụ cho trên 316.000 thành viên công nhân lao động nghèo thông qua mạng lưới 34 chi nhánh tại 9 tỉnh, thành. Tổng dư nợ cho vay lên đến 2.971 tỷ đồng và tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của thành viên gần 1.100 tỷ đồng.