Tổ chức quán triệt, triển khai Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Sáng nay, 5-2, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2024.

Hội nghị diễn ra trực tiếp tại trụ sở Tổng LĐLĐ Việt Nam và trực tuyến tới gần 100 điểm cầu trên cả nước. Đây là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn về những nội dung mới của các luật này, đồng thời thể hiện vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc triển khai thi hành luật, bảo đảm các quy định được thực hiện hiệu quả trong thực tiễn.

IMG_6996.jpeg
Quang cảnh hội nghị sáng nay 5-2

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh rằng, việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công đoàn trong bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động.

Trong năm 2024, Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các đạo luật như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm và đặc biệt là Luật Công đoàn (sửa đổi).

IMG_6988.jpeg

Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 11-2024 với tỷ lệ tán thành 92,48%, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tổ chức công đoàn nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Luật Công đoàn (sửa đổi) được ban hành trong bối cảnh nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Luật mới này cũng nhằm khắc phục những bất cập của Luật Công đoàn 2012, bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp 2013 và hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực lao động và công đoàn.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, một số điểm mới đáng chú ý của Luật Công đoàn 2024 bao gồm: mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn cho người lao động không có quan hệ lao động; bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; quy định cụ thể về hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam; làm rõ quyền và trách nhiệm của công đoàn trong giám sát, phản biện xã hội; bổ sung các quy định về quản lý tài chính công đoàn theo hướng minh bạch, hiệu quả hơn.

IMG_6995.jpeg
Công đoàn Việt Nam trao tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân, sáng 5-2

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định, việc Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã tạo ra hành trang pháp lý quan trọng để công đoàn thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi đoàn viên và người lao động.

Lãnh đạo tổ chức công đoàn đề nghị cán bộ công đoàn các cấp nhanh chóng nghiên cứu, nắm vững nội dung luật, sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm đưa các quy định vào thực tiễn, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn chi tiết để triển khai các quy định mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) một cách hiệu quả.

IMG_6990.jpeg
Đại diện tổ chức công đoàn trao bằng khen cho đại diện các tập thể và cá nhân, sáng 5-2

Tại hội nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tặng bằng khen cho 5 tập thể và 38 cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động tham gia xây dựng Luật Công đoàn 2024.

Tin cùng chuyên mục