Theo Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, địa phương đã có nhiều hoạt động giúp hàng Việt tiếp cận thị trường. Qua các kỳ hội chợ, triển lãm hàng Việt từ đầu năm đến nay cho thấy, người tiêu dùng địa phương đã xem các hoạt động xúc tiến là kênh mua sắm. Có đến 180.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, tạo nên doanh thu ước đạt khoảng 34 tỷ đồng. Người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, kể cả vùng xa, vùng sâu cũng thuận lợi mua sắm các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Với lợi thế trú đóng, kinh doanh phục vụ người dân ngay trên địa bàn Hậu Giang, Co.opmart Vị Thanh, Co.opmart Ngã Bảy đã được cấp phép tổ chức 10 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn với doanh thu ước đạt 180 triệu đồng. Người dân còn dễ dàng tìm hiểu và tiêu dùng hàng Việt hơn thông qua chương trình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt” tổ chức tại thành phố Vị Thanh và huyện Phụng Hiệp với 30 điểm bán hàng.
Với nhiều hình thức như trên đã giúp tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như nhận thức về chất lượng, giá cả, tính cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước. Người dân Hậu Giang nói riêng và Nam bộ nói chung đã dần hình thành thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt trong sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng và các hoạt động khác.
Bên cạnh đó, các chương trình đưa hàng đến với người tiêu dùng cũng giúp các doanh nghiệp đánh giá được thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn. Từ đó, có những chính sách tiếp cận, xây dựng hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân.
Hiện Sở Công thương tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn và hoạt động tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang với tổng kinh phí hơn 537 triệu đồng (nguồn vận động xã hội hóa là 300 triệu đồng). Theo đó, tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp.