Tổ chức lễ tưởng niệm trang trọng, chu đáo

LTS: Ngày 11-11, phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có chủ trương giao MTTQ Việt Nam phối hợp với TPHCM và các địa phương có liên quan tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh do đại dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam bằng hình thức trực tuyến kết nối với một số tỉnh, thành phố. 

Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu ý kiến của lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam về việc tổ chức lễ tưởng niệm theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI: Lễ tưởng niệm làm ấm lòng người đi, chia sớt nỗi đau với người ở lại

Liên quan đến kế hoạch tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 (lúc 19 giờ ngày 19-11), ngày 12-11, trao đổi với PV Báo SGGP, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sau khi được Trung ương chấp thuận, TPHCM đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Lễ tưởng niệm nhằm tưởng nhớ những người không may mất vì Covid-19, cũng như chia sẻ nỗi đau, mất mát với những gia đình có người thân mất vì dịch và đồng bào cả nước trải qua trận đại dịch vừa qua. “Lễ tưởng niệm làm ấm lòng người đi, chia sớt phần nào nỗi đau với người ở lại”, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh lễ tưởng niệm lần này nhằm nhắc nhở mọi người là thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên chúng ta cần nâng cao ý thức để làm sao giảm thấp nhất những thiệt hại. Người đứng đầu chính quyền TPHCM thông tin thêm, TPHCM là tâm dịch, chịu ảnh hưởng nhiều nhất nên vừa qua thành phố đã chủ động chuẩn bị việc tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Cụ thể, TPHCM đã báo cáo với Trung ương và được Trung ương chấp thuận chủ trương giao Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp cùng TPHCM tổ chức lễ tưởng niệm cấp quốc gia mà địa điểm là tại TPHCM và nối điểm cầu với các địa phương khác. “Buổi lễ này không chỉ tưởng niệm, chia sẻ với đồng bào, gia đình có người thân mất vì Covid-19 ở TPHCM mà còn ở cả nước”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Về kế hoạch tổ chức, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, thành phố đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về hậu cần, kỹ thuật, nội dung để lễ tưởng niệm diễn ra một cách trang trọng, chu đáo, phù hợp với tính chất, ý nghĩa. Về địa điểm, ngoài điểm cầu chính là hội trường Thống Nhất, tại các quận, huyện cũng tổ chức lễ tưởng niệm với những hoạt động phù hợp. Trong lễ tưởng niệm (được truyền hình trực tiếp - PV) sẽ có các hình ảnh, thước phim về TPHCM qua “cuộc chiến sinh tử” với đại dịch Covid-19, phát biểu của lãnh đạo, nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19. Ngoài nghi thức chung, ở từng nơi thắp đèn, thắp nến, thả hoa đăng, cắm hoa, rung chuông ở chùa, nhà thờ hay kéo những hồi còi ở các bến cảng.

Chỉ còn 1 tuần nữa là diễn ra lễ tưởng niệm, do đó, TPHCM đang chủ động chuẩn bị hoạt động tại TPHCM và phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để tổ chức lễ tưởng niệm được trang trọng, chu đáo.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre LÊ ĐỨC THỌ: Lễ tưởng niệm mang tính nhân văn sâu sắc

Với sự thống nhất của Quốc hội, Bộ LĐTB-XH phối hợp với các địa phương tổ chức lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong vì đại dịch Covid-19, tỉnh Bến Tre sẽ làm theo chương trình chung của cả nước. Tôi cho rằng, việc tổ chức lễ tưởng niệm là một chủ trương rất cần thiết, bởi căn cứ vào điều kiện thực tế, cả hệ thống chính trị và người dân… rất cố gắng trong công tác phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19 để đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.  Đại dịch Covid-19 đã để lại một sự mất mát lớn cả về nhân lực lẫn vật lực. Do đó, việc tổ chức lễ tưởng niệm mang ý nghĩa to lớn cả về mặt chính trị và mang tính nhân văn sâu sắc, nhằm tri ân lực lượng tuyến đầu, tình nguyện viên, những người đã mất trong đại dịch.


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai NGUYỄN HỒNG LĨNH: Việc làm hết sức nhân ái, nhân văn

Ngay từ đầu tôi đã rất ủng hộ đề xuất của Báo SGGP về tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh do đại dịch Covid-19. Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có chủ trương giao MTTQ Việt Nam phối hợp với TPHCM và các địa phương có liên quan tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh do đại dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam bằng hình thức trực tuyến kết nối với một số tỉnh, thành phố. Đây là việc làm hết sức nhân ái, nhân văn và rất cần thiết để nhắc nhớ về những ngày đau buồn của đồng bào; tinh thần đoàn kết thống nhất một lòng của cả hệ thống chính trị; sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. 

Tính đến ngày 12-11, tỉnh Đồng Nai có 76.600 người mắc Covid-19 và có 610 ca tử vong. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương VÕ VĂN MINH: Rất cần thiết và phù hợp với đạo lý

Tỉnh Bình Dương là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Từ đề xuất của Báo SGGP cần có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19 và Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến chỉ đạo rất kịp thời, cần thiết và phù hợp đạo lý. Tỉnh Bình Dương đã ghi nhận hơn 241.500 ca mắc Covid-19, hơn 2.500 người tử vong, trong đó có cả nhân viên ngành y. Sau khi có ý kiến chỉ đạo, tỉnh sẽ tổ chức lễ tưởng niệm một cách chu đáo, trang nghiêm nhất để chia sẻ nỗi đau với mất mát của đồng bào, sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ trong cuộc chiến chống dịch. 


Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh NGUYỄN THANH NGỌC: Chia sẻ với đồng bào trước những mất mát, đau thương 

Đề xuất của Báo SGGP về ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ hy sinh do Covid-19 là rất kịp thời, nhân văn, phù hợp với tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ với đồng bào trước những mất mát, đau thương do dịch bệnh gây ra. Việc tổ chức ngày tưởng niệm cần triển khai thống nhất trên phạm vi toàn quốc, qua đó mỗi người dân Việt Nam dù ở đâu cũng có thể thực hiện được. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dù tỉnh Tây Ninh triển khai nhiều biện pháp ứng phó nhưng không tránh khỏi mất mát, hy sinh của người dân, cán bộ chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Cần có ngày tưởng niệm, để ngoài chia sẻ mất mát với đồng bào, đồng chí thì đó còn là thông điệp nhắc nhớ các thế hệ luôn cảnh giác, chủ động phòng chống dịch bệnh trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục