Khu vực trung tâm luôn có rất đông phương tiện lưu thông và đối diện thường trực với cảnh ùn tắc kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... Có lúc bầu trời nắng gắt, nhiệt độ lên hơn 40oC. Những năm qua bầu không khí xuất hiện các màn sương ô nhiễm. Thời tiết đó cùng với khói bụi cho thấy có sự bất ổn về môi trường sống ngày càng hiện rõ.
Cấu trúc đô thị nhiều ngõ, hẻm sâu. Phần lớn nhà ống rộng từ 3-5m và dài từ 10-15m bám dọc hai bên đường và mặt tiền được tận dụng kinh doanh buôn bán... Hướng phát triển đô thị theo kiểu “vết dầu loang” dẫn tới nhiều công trình xây dựng chưa phù hợp vị trí.
Nên chăng trên cơ sở quy hoạch chung, điều chỉnh phân khu với những yêu cầu cơ bản phù hợp thực tế trước các biến động sao cho mang tính khả thi cao với tầm nhìn phát triển hướng đến bộ mặt văn minh và hiện đại cho khu vực trung tâm thêm các giá trị sáng tạo, khích thích thu hút đầu tư, phát triển kinh tế văn hóa, sử dụng đất có hiệu quả hơn.
Tìm vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng đất
TPHCM còn nhiều nhà đất, công sở sử dụng sai mục đích, trong đó có khu vực trung tâm nơi được cho là “đất vàng” có giá trị mỗi mét vuông lên đến hàng trăm triệu đồng.
Hiện nay chỉ tính riêng Trung tâm Phát triển quỹ đất cũng đã quản lý và thuê bảo vệ đối với 123 khu đất thuộc đối tượng xử lý sắp xếp theo Nghị định 167/2017. Trong đó có khai thác ngắn hạn 41 khu đất, thuê bảo vệ 39 khu đất, số còn lại tạm quản lý. Đồng thời, khảo sát ghi nhận hiện trạng thực tế có đến 1.104 khu đất do 28 đơn vị là tổng công ty và công ty vốn nhà nước quản lý.
Đành rằng xử lý khối lượng lớn nhà đất, công sở tại một thành phố lớn cần thời gian nhất định. Trong đó, có nhiều cơ quan Trung ương cùng với doanh nghiệp trực thuộc các bộ ngành đã tiếp nhận diện tích nhà đất. Nhưng thực tế đã qua nhiều năm, lãng phí tài sản công cứ tiếp diễn. Nhiều khu đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích trong khi thành phố thiếu không gian công cộng và tốn kém đền bù giải phóng mặt bằng làm dự án công ích như xây cầu mở đường. Nhà đầu tư “đỏ mắt” tìm đất nơi trung tâm lập dự án xây dựng trụ sở, văn phòng dẫn đến giá thuê mặt bằng tăng cao, kinh doanh càng khó khăn, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Biết bao dự án dân sinh cấp thiết nhưng phải tạm ngưng, chưa thể triển khai vì thiếu vốn, khó tìm ra những khu đất có vị trí “trắc địa” hoán đổi thành tiền làm cơ sở hạ tầng.
Nếu cơ quan chức năng làm một cuộc tổng điều tra kiểm kê các quỹ đất, nhà ở, công trình hiện hữu cũng như các tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên toàn địa bàn có biện pháp xử lý hiệu quả sẽ thu về cho ngân sách nguồn tiền và tài sản công rất lớn.
Nên chăng rà soát quy trình quản lý, sử dụng nhà đất và công sở thuộc sở hữu nhà nước để điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn gắn liền với tránh nhiệm cụ thể. Cần phân loại tài sản công, thống nhất quản lý về mặt đầu mối. Chẳng hạn quản lý đất đai là Sở Tài nguyên Môi trường, nhà và công trình là Sở Xây dựng... Khắc phục tình trạng hiện nay ở những quận huyện có nhiều đơn vị trực thuộc được giao quản lý các khu đất và công sở.
Khi điều tra kiểm kê xác định được nhà đất, công sở bị chiếm dụng cho thuê, bán không đúng đối tượng, sử dụng sai mục đích cần kiên quyết thu hồi, kể cả các dự án được giao đất nhưng nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai để kéo dài hoặc những doanh nghiệp thuê đất nhưng cho bên thứ ba thuê lại để thu lợi. Sau đó tùy theo điều kiện, mục tiêu đặt ra mà trưng dụng phát triển kinh tế hay tổ chức không gian công cộng. Hoặc đấu giá công khai theo quy định để tổ chức và cá nhân có nhu cầu khai thác hiệu quả, tránh lãng phí nguồn tài sản công. Đây còn là hình thức tạo vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị cho TPHCM.
Sắp xếp lại chỗ ở, xóa chung cư cũ
Đã đến lúc xóa dần nhà ống phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại dọc theo tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được thi công, kỳ vọng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng giúp vận chuyển khối lượng lớn. Ngay từ bây giờ tính đến phương án thiết kế cảnh quan đặc trưng cho khu vực trung tâm hiện hữu, phát triển chung cư, nhà cao tầng dọc tuyến metro này. Quy hoạch phân khu chức năng và kêu gọi xã hội hóa, kết hợp vốn mồi trích ra một phần từ tổ chức đấu giá quỹ đất, nhà đầu tư tham gia có lợi nhuận từ kinh doanh cơ sở hạ tầng đã thực hiện như bán hoặc cho thuê các dịch vụ, mặt bằng trụ sở, văn phòng đại diện.
Trong quy hoạch cơ sở hạ tầng, tổ chức không gian sống hay khi mở một khu dân cư, trường học, bệnh viện, siêu thị, nơi làm việc, trung tâm thương mại đều hướng đến kết nối giao thông và người đi bộ thuận lợi, an toàn. Đây còn chính là điều tiên quyết để thu hút hành khách sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân, hướng đến đô thị hiện đại mà các thành phố trên thế giới đã thành công, có cả Thái Lan và Singapore.
Nhìn nhận rằng khu vực trung tâm còn là bộ mặt cho thành phố, trước sau gì cũng phải chỉnh trang hướng tới văn minh hiện đại với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, nơi làm đầu mối giao thương quốc tế vừa là trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo... Nhưng làm càng sớm càng khả thi, ít tốn kém hơn. Thuận lợi là phần lớn các tuyến đường được chừa sẵn lộ giới, nhà dân phía trước xây dựng tạm nên không khó giải tỏa vật kiến trúc.
Xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ, hiện đại
Thực tế có những cơn mưa bất chợt cũng gây ngập nước khu vực trung tâm, tình trạng ngập ngày càng nặng, có thể nói là đáng báo động. Như cơn mưa chiều 24-10 kéo dài chỉ trong 30 phút khiến ngập lênh láng nhiều nơi khu vực trung tâm, xe chết máy trên nhiều tuyến đường Nguyễn Biểu, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Công Trứ, Trần Hưng Đạo, Lê Thị Hồng Gấm… Cần nhìn nhận thực tế, xác định đúng nguyên nhân để có giải pháp căn cơ.
Nhiều năm tham gia xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, phối hợp với các bên liên quan, người viết nhận thấy hệ thống thoát nước khu vực trung tâm hiện nay không còn đảm bảo khả năng chống ngập, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và phát triển dân số.
Giải pháp chống ngập những năm qua phần lớn theo kiểu đối phó, chắp vá nào là nâng đường nâng hẻm, nâng mặt bằng để chống ngập trở thành con đê chắn ngang khiến nước mưa tràn ra hai bên, lan sang các khu vực trũng hơn. Từ đó, nhà dân cũng phải nâng lên cao hơn. Tai hại nhất, khiến hệ thống cống không đồng bộ về kích thước, cao độ.
Chưa kể công tác đấu nối, kéo dài cống thoát nước chưa tính toán kỹ là một sai lầm, không tuân thủ nguyên tắc thoát nước theo độ dốc từ cao xuống thấp, dẫn dòng tự chảy. Mất cân bằng giữa lượng nước đến và đi trong một không gian, đô thị hóa càng cao thì lượng nước tràn ra càng lớn, nếu hệ thống thoát nước không đáp ứng sẽ gây ngập.
Chống ngập cho khu vực trung tâm cần giải pháp căn cơ, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị. Rà soát quy hoạch tổng thể mặt bằng lưu vực, đánh giá lại toàn bộ công tác chống ngập để có cái nhìn toàn diện hơn. Thoát nước tính theo diện tích tối thiểu cũng vài chục km2, phù hợp độ dốc và mặt bằng tự nhiên, kể cả trường hợp tăng dân số.
TPHCM đang hướng đến đô thị thông minh, ít nhất là khu vực trung tâm ngoài sửa chữa khắc phục hệ thống cấp nước cũ cần được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mới đồng bộ và hiện đại để kết nối sao cho đủ khả năng giải quyết thoát nước nhanh chóng với mọi cơn mưa lớn nhỏ. Nghiên cứu tận dụng điều kiện tự nhiên sau khi điều chỉnh phân khu để thuận lợi thoát nước mưa ra sông, kênh, mương, rạch, khu vực trống có vùng trũng.
Tăng cường trồng cây, phủ sắc xanh
Ra đường lúc nào tôi cũng muốn đi trên những đoạn đường rợp bóng cây cổ thụ vừa cảm thấy dễ chịu, hít thở chút không khí trong lành như đường Hùng Vương, Ngô Gia Tự, Phạm Ngọc Thạch… Con người có thể nhịn ăn, uống nhưng không thể nhịn thở. Cây xanh ví lá phổi cho thành phố, trồng cây để lọc không khí là giải pháp cần phải làm cho bằng được.
Một người bạn làm tư vấn trong lĩnh vực quản lý đô thị tại Singapore trong lần về nước được tôi chở trên xe máy dạo quanh qua các tuyến đường tại TPHCM đã thắc mắc, “sao ở đây lại ít mảng xanh quá vậy?”. Rồi anh kể rằng, Singapore có được mảng xanh ngày nay nhờ quyết tâm từ chính quyền đến người dân đều có trách nhiệm gìn giữ và phát triển mảng xanh, trồng cây. Chính quyền hoạch định chủ trương, xem cây xanh đường phố là xương sống cho “thành phố trong vườn”, tận dụng mọi cơ hội phát triển mảng xanh được tích hợp vào khung chính sách. Singapore đến nay đã có hơn 2 triệu cây dọc các tuyến đường và những khu đất thuộc nhà nước, hầu hết công trình công cộng và tư nhân đều có mảng xanh.
TPHCM nên quy hoạch mảng xanh phù hợp phát triển dân số, tích hợp thành quy định chung gắn với các hoạt động trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, đa dạng sinh học… Áp dụng vào thực tế cuộc sống sao cho chặt chẽ với việc duy trì và mở rộng mảng xanh đưa vào tiêu chí xây dựng, bất kỳ công trình nào cũng tuân thủ, ưu tiên thực hiện là mảng xanh.
Xây dựng kế hoạch trồng cây trên đường phố, nơi công cộng có không gian sao cho đạt chỉ tiêu khoảng 6,3 m2/người. Vỉa hè ngoài phạm vi dành cho người đi bộ có thể khoét các rãnh trồng cây, hoa cảnh vừa tạo cảnh quan vừa giúp thấm nước tự nhiên. Kết nối hoạt động giao thông, văn hóa, du lịch, sự kiện với các công viên 23/9, 30/4, Tao Đàn, Bến Bạch Đằng, Lê Văn Tám… Tạo điều kiện, khuyến khích người dân trồng cây trong khuôn viên của mình, nếu nhà không có đất thì trồng dây leo hoặc loại cây nào ít chiếm diện tích.
Xe buýt lưu thông trên làn đường riêng
Có ý kiến cho rằng nên chọn những tuyến đường đông đúc, khó nhất để thí điểm làn riêng cho xe buýt thì mới có giá trị như đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ. Điều này nghe qua có vẻ logic nhưng thực hiện đơn lẻ không hề đơn giản, thậm chí là khó khả thi. Như từng chọn đường Trần Hưng Đạo (Q.1 và Q.5) làm thí điểm làn dành riêng cho xe buýt, sau đó phải dừng lại vì gây kẹt xe vào giờ cao điểm, mất an toàn giao, bị nhiều người phản ứng.
Bố trí làn đường riêng cho xe buýt là chủ trương đúng, lẽ ra nên làm từ lâu. Còn có mang lại hiệu quả hay không có lẽ ở cách thức thực hiện phù hợp với cấu trúc đô thị, mật độ lưu thông và điều kiện trên từng tuyến đường nhưng cần tổ chức tổng thể và có hệ thống.
Thiết nghĩ với tuyến đường hướng trục hoặc rộng có công suất luồng hành khách lớn, tần suất hoạt động xe buýt cao thì nên dành làn riêng bằng dải phân cách cứng như Lê Duẩn (Q.1), Ba Tháng Hai (Q.10), Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh)… Tuyến hẹp hơn có tối thiểu 4 làn xe có thể làm làn ưu tiên cho xe buýt như đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu… Khác với làn riêng, làn ưu tiên vẫn có thể sử dụng cho các loại phương tiện khác cùng lúc lưu thông nhưng phải nhường đường mỗi khi có xe buýt, khi có yêu cầu hoặc vào các giờ cao điểm.
Như vậy, tận dụng tối đa diện tích mặt đường lúc chưa có xe buýt lưu thông. Ngoài xe buýt, xe cứu hỏa, cứu thương, công an, quân đội, xe làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn hoặc khẩn cấp, xe khách từ 12 chỗ trở lên thì vẫn có thể cho sử dụng làn đường riêng và làn đường ưu tiên đối với các loại xe ngoại giao, xe tang, xe đưa rước học sinh và công nhân.
Bố trí làn đường riêng và ưu tiên cho xe buýt là điều khó khăn vì mật độ giao thông quá cao như hiện nay mà nhất là trên các tuyến đường nội thành, bề rộng mặt đường hạn chế và có nơi lại quá hẹp, không có quỹ đất dự trữ. Muốn xe buýt sớm trở thành phương tiện chủ lực và thu hút nhiều người dân sử dụng để dần hạn chế xe cá nhân cũng như góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông đang trầm trọng thì nên có thêm những kế hoạch mang tính lâu dài. Trong quá trình quy hoạch, mở rộng hay nâng cấp công trình giao thông hãy hướng đến thiết kế làn riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt. Với 5 tuyến đường trên cao mà thành phố đang kêu gọi đầu tư, bổ sung làn riêng cho xe buýt sẽ có nhiều thuận lợi. Trên cơ sở quy hoạch chung, điều chỉnh phân khu kết hợp với chỉnh trang khu vực trung tâm.
Cải tạo hạ tầng và không gian đi bộ
Chuẩn bị cho lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân trong khu vực trung tâm hẳn phải tổ chức không gian đi bộ với hạ tầng giao thông đều tuân thủ quy chuẩn khổ đường, vỉa hè, cầu bộ hành... Xây dựng công trình cao tầng đầy đủ các tiện ích tập trung dân cư có kết nối giao thông công cộng, thương mại, giải trí, du lịch… Phát triển xe buýt phủ khắp kết nối với hệ thống metro, xe đạp, đi bộ. Ngầm hóa toàn bộ công trình kỹ thuật điện, viễn thông... Bố trí dân cư phù hợp với từng khu vực, lộ trình đi lại an toàn và thuận lợi.
Các tuyến metro, đường sắt trên cao được tính toán sao cho khi đưa vào khai thác kết nối giao thông thuận lợi, giá rẻ, tiết kiệm thời gian đi lại... Mạng lưới giao thông công cộng kết nối nhà chờ, bến đường thủy, sân bay, MRT... Xe buýt lưu thông làn đường riêng để di chuyển nhanh, đúng giờ và được phủ rộng. Như vậy, hành khách có thể đi bộ an toàn từ chỗ ở đến trạm đón trong bán kính tối đa vài trăm mét, xe đạp công cộng lưu thông trong các ngõ hẻm mà giao thông công cộng không thể vào. Lúc đó, lòng đường dành cho phương tiện cá nhân bị hẹp lại nên di chuyển khó khăn nhưng còn tốn kém đóng phí lưu thông vào trung tâm để chuyển qua giao thông công cộng sẽ thuận lợi hơn.
Cải tạo giao thông, mở rộng không gian đi bộ ngoài tận dụng phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ có thể kết nối quy hoạch “siêu' phố đi bộ ngay trung tâm dự kiến gồm 5 đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung, Thi Sách sau khi hoàn thành sẽ hình thành mạng lưới đi bộ rộng lớn cho khu vực trung tâm hiện hữu có diện tích ước tính khoảng 930ha.
'Siêu' phố đi bộ này hình thành còn giúp phát triển kinh tế, du lịch, ẩm thực, lịch sử, văn hóa… Như có các tiểu khu đặc trưng văn hóa thanh niên (Công trường Quốc tế và Phạm Ngọc Thạch từ hồ Con Rùa tới đường Lê Duẩn), khu lịch sử - văn hóa (cụm công trình Công xã Paris gồm nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Đường sách, tòa nhà Metropolitan), khu thương mại - mua sắm (trục đường Đồng Khởi từ Công xã Paris đến Tôn Đức Thắng, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thiệp...), khu biểu diễn nghệ thuật (Công trường Lam Sơn và Nhà hát TP với quảng trường trước nhà hát bao quanh các khách sạn 4 - 5 sao).
Hình thành trung tâm y tế thông minh và chuyên sâu
TPHCM sẽ tuyệt vời hơn khi y tế trở thành tuyến cuối cho phía Nam và Đông Nam Á, có trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao. Không chỉ khám và điều trị tại chỗ mà người dân ngồi nhà vẫn có thể biết tình hình sức khỏe bản thân thông qua y tế thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, khám bệnh từ xa, tư vấn trực tuyến.
Thuận lợi là có sẵn cơ sở vật chất cả đội ngũ nhân sự chất lượng cao với cụm y tế tại quận 5 gồm hệ thống các Viện - Trường và Bệnh viện: Đại học Y dược, Phạm Ngọc Thạch, Hùng Vương, Chợ Rẫy, Nhiệt Đới, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Chấn thương Chỉnh hình, Răng hàm mặt Trung ương… Nếu sắp xếp lại một cách khoa học sẽ hình thành trung tâm y tế thông minh và chuyên sâu giúp giảm quá tải giữa các bệnh viện, đào tạo nhân lực theo nhu cầu thực tế, phối hợp giữa các đội ngũ chuyên môn, trưng dụng máy móc thiết bị và công nghệ. Liên kết xây dựng một đội ngũ cán bộ y tế đổi mới sáng tạo giỏi về chuyên môn, mạnh về y đức tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.
Ngoài ra, lồng ghép phát triển du lịch y tế thu hút khách đến TPHCM kết hợp du lịch và khám chữa bệnh, góp phần giảm tình trạng người dân ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Đầu mối kinh tế - văn hóa, sáng tạo và giao thương quốc tế
Theo kế hoạch, TPHCM sẽ trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của Đông Nam Á vào năm 2030 và của châu Á vào năm 2045. Thực hiện hóa mục tiêu này, hãy bắt đầu từ trung tâm.
Quận 1 dành quỹ đất quy hoạch phân khu chức năng là trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, giao thương quốc tế trong sự đa dạng. Với tinh thần luôn muốn đổi mới và khát khao tìm tòi thay đổi để tốt hơn, khu vực trung tâm còn là miền đất hứa cho các ý tưởng đột phá.
Hội tụ làm việc hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, kết nối với văn phòng đại diện các tập đoàn lớn trên thế giới. Thử nghiệm chương trình mới, kết nối tương tác sáng tạo cho khu đô thị phía Đông là TP Thủ Đức có khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia TPHCM. Khách hàng sẽ được tư vấn cặn kẽ chu đáo với các thông tin chi tiết, trung thực tạo cảm giác yên tâm trong quá trình tìm hiểu nhờ tư vấn để đưa ra quyết định chính xác hơn.
Cư dân sẽ được thông báo qua điện thoại mỗi ngày về tình hình khu vực trung tâm như các sự kiện, giao thông, thoát nước, chất lượng không khí… Thủ tục hành chính liên thông một cửa, ngồi nhà hoặc nơi làm việc cũng có thể nộp hồ sơ và chờ nhận kết quả. Chính quyền thân thiện kịp giải thích những thắc mắc qua hệ thống trực tuyến, điện tử.
Mạng lưới liên kết với các tổ chức uy tín trên thế giới, kể cả thí điểm quảng bá thương hiệu. Đây cũng là nơi trợ giúp phát triển kinh tế kỹ thuật số, công nghệ cho những ai có nhu cầu trong các lĩnh vực đa ngành nghề với cá nhân số, doanh nghiệp số, chính quyền số.
Bên cạnh đó, kết nối các quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp cho công dân thực hiện ước mơ chính đáng, sinh viên mới ra trường có đề án thiết thực cho cuộc sống. Các quỹ đầu tư cũng có thể tham gia kinh doanh, mua bán, sắp xếp hoặc tổ chức lại các loại hình doanh nghiệp theo hướng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, hiệu ích bền vững về lâu dài.
Phát triển văn hóa, tri thức có kết nối những di sản, kinh tế du lịch, tiên phong trong giáo dục đào tạo. Như chợ Bến Thành, Dinh Thống Nhất, Bưu điện trung tâm, Nhà hát TP, Nhà thờ Đức Bà… Hệ thống Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ… Thư viện khoa học tổng hợp, Thư viện điện tử S.Hub, Thư viện American Center, Thư viện Idecaf - Viện trao đổi văn hóa Pháp… Quy hoạch sắp xếp biến những di sản vốn có, giá trị văn hóa và kiến thức đồ sộ này thành một thể thống nhất cung cấp thông tin cho tri thức sáng tạo và dẫn dắt khách du lịch qua ứng dụng tải về smartphone cá nhân.