Thay đổi thói quen tiêu dùng
Người tiêu dùng hiện có thể truy suất thông tin sản phẩm từ trang trại, cơ sở giết mổ đến chợ đầu mối cung cấp. Ghi nhận thực tế tại chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM, sản phẩm tham gia các đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm của TPHCM được kinh doanh, bày bán với nguồn cung dồi dào, hàng hóa đảm bảo tuân thủ các quy định của đề án. Song song đó, nhiều đơn vị kinh doanh, tiểu thương rất nhiệt tình giới thiệu thông tin các đề án, lợi ích và cách thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến người tiêu dùng thành phố.
Còn tại các điểm bán thuộc kênh phân phối hiện đại trên địa bàn TPHCM như Co.opmart, Vissan... sản phẩm tham gia đề án được thiết kế quầy kệ ở vị trí dễ tiếp cận và thu hút người tiêu dùng. Trong đó, nhiều hệ thống này còn treo thông báo, băng rôn giới thiệu quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm tham gia đề án, đồng thời niêm yết giá bán minh bạch, để tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng lựa chọn.
Chị Lê Phương, khách hàng thân thiết của Co.opmart Đinh Tiên Hoàng, quận BìnhThạnh, TPHCM, cho biết các sản phẩm thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm là những mặt hàng thực phẩm thiết yếu được người dân tiêu dùng hàng ngày, đặc biệt trong các bữa cơm gia đình. Chính vì vậy, việc có giải pháp quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc những mặt hàng này hiệu quả sẽ giúp người dân an tâm sử dụng và chăm lo sức khỏe gia đình tốt hơn.
Tương tự, ông Minh Hà, tiểu thương kinh doanh ngành hàng thịt gia cầm và trứng gia cầm tại chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM), cho hay khi những sản phẩm tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng gia cầm được chính thức giới thiệu ra thị trường vào đầu tháng 9-2017, người tiêu dùng còn khá “rụt rè” khi tiếp cận, nhưng hiện nay, nhiều khách hàng đã ưu tiên chọn lựa và rất quen với cách thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó, một số người tiêu dùng mong muốn không chỉ mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm được truy xuất nguồn gốc, mà nhiều sản phẩm thực phẩm khác được bán buôn, kinh doanh trên thị trường tham gia đề án để người dân có thể tin tưởng chọn mua và an tâm sử dụng.
Giúp doanh nghiệp tái tổ chức sản xuất
Nhằm thực hiện hiệu quả đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại TPHCM, cụ thể là các đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm... Sở Công thương TPHCM đã ký kết biên bản hợp tác triển khai công tác truy xuất nguồn gốc hàng nông sản, thực phẩm với nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết do TPHCM là đơn vị đầu tiên thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm nên trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, nhìn chung kết quả đạt được cho đến nay khá tích cực. Dẫn chứng cụ thể là hiện các sản phẩm tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm đã được kinh doanh phổ biến trên địa bàn thành phố, đồng thời số lượng đơn vị gửi hồ sơ đăng ký tham gia đề án về Sở Công thương đang tăng dần.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, khi sản phẩm của những đơn vị, doanh nghiệp tham gia các đề án được người tiêu dùng hưởng ứng, từ đó tăng sức mua trên thị trường sẽ tạo động lực và niềm tin cho đơn vị sản xuất, kinh doanh khác đăng ký tham gia. Do đó, trong thời gian tới, có thể kỳ vọng các đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại TPHCM sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần tổ chức lại chuỗi cung ứng thực phẩm từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là dung hòa lợi ích các bên.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho rằng các đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại TPHCM sẽ giúp hàng Việt nâng cao giá trị hơn, đồng thời xây dựng được uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Đơn cử, đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng gia cầm, mang lại cơ hội cho Công ty TNHH Ba Huân cơ cấu lại hoạt động cũng như hướng đến sự phát triển bền vững. Trong đó, các sản phẩm tham gia đề án được đảm bảo quy trình sản xuất sạch, quản lý bằng công nghệ hiện đại.
Nhiều hệ thống bán lẻ trên địa bàn TPHCM cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh chú trọng đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, thúc đẩy giải pháp giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về sử dụng thực phẩm an toàn, thì các nhà bán lẻ luôn đồng hành và hỗ trợ để góp phần cung ứng ra thị trường những sản phẩm an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM (Saigon Co.op), nhấn mạnh đơn vị sản xuất kinh doanh hay nhà cung cấp, phân phối chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn cũng như có sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng của siêu thị thì sản phẩm sẽ được lên kệ kênh bán lẻ hiện đại mà không gặp bất cứ rào cản nào.
Trong đó, bên cạnh xét duyệt, các đơn vị sản xuất kinh doanh chỉ cần đáp ứng yêu cầu thủ tục đầu vào dựa trên những quy định của Nhà nước gồm: giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, hồ sơ công bố chất lượng, kết quả kiểm định chất lượng... Saigon Co.op luôn có chính sách ưu tiên phù hợp cho hàng Việt Nam chất lượng cao; hàng bình ổn thị trường, hàng thuộc các đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc...
Hiện sản lượng heo có truy suất nguồn gốc cung ứng cho thị trường thành phố khoảng 7.500 - 8.000 con/ngày. Riêng đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng gia cầm vẫn đang được Sở Công thương TPHCM tiếp tục triển khai. Hiện sở đã nhận được hồ sơ đăng ký của 35 trang trại gà giống có quy mô hơn 2,8 triệu con giống, 431 trang trại gà lấy thịt có sản lượng hơn 15 triệu con xuất trại/lứa, 61 trang trại gà, vịt lấy trứng (80 triệu quả trứng/tháng), 17 cơ sở giết mổ đóng gói thịt gia cầm (6,3 triệu con/tháng), 9 cơ sở xử lý đóng gói trứng gia cầm (75 triệu quả/tháng). Song song đó, TPHCM đã thiết lập hơn 1.750 điểm bán thịt gia cầm, trứng gia cầm đã đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm.