Bà Nguyễn Phương Mai, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh công tác y tế phục vụ kỳ thi với 3 nội dung chính: thường trực cấp cứu, bảo đảm phòng dịch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, có việc tổ chức thi cho thí sinh thuộc các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; bố trí phòng thi dự phòng, đội ngũ nhân lực dự phòng trong trường hợp có thí sinh F0 hoặc ca bệnh nghi ngờ.
Đại diện Thanh tra Bộ GD-ĐT lưu ý các địa phương về công tác bảo đảm an ninh, an toàn, nhất là trong in sao đề thi, bảo quản đề và bài thi; trong đó có việc camera giám sát phải bảo đảm bao quát được phòng chứa đề/bài thi, đặc biệt là vị trí tủ đựng đề/bài thi.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, công tác chuẩn bị cho kỳ thi cần chu đáo, kỹ lưỡng từ khâu, mắt xích nhỏ nhất. Trong đó có công đoạn bảo mật đề thi, bài thi; khu vực in sao đề thi phải là địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Tính toán để chuẩn bị, lường trước các tình huống bất thường về thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của thí sinh. Tổ chức kỳ thi phải an toàn và trách nhiệm, trong đó có an toàn giao thông; an toàn phòng chống cháy nổ; an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự; an toàn phòng chống dịch bệnh… Mục tiêu hướng tới kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Trong tuần qua, Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi ở nhiều địa phương trong cả nước. Sau các đợt kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia, đề nghị nâng cao trách nhiệm của giáo viên coi thi, trước khi vào phòng thi giáo viên cần kiểm tra và nhắc nhở thí sinh, trong quá trình coi thi cần giám sát chặt chẽ để phát hiện những biểu hiện lạ từ thí sinh. Đối với giáo viên, cần quán triệt để không có sơ suất về mặt chuyên môn.