Các tham luận tại hội thảo tập trung vào 2 nội dung chính: Phong trào Đồng Khởi biểu hiện sự sáng tạo, độc đáo của cách mạng Việt Nam; Khẳng định tầm vóc, lịch sử và bài học kinh nghiệm từ phong trào Đồng Khởi.
Sáng nay 11-12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức họp báo giới thiệu về Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng Khởi (17-1-1960 – 17-1-2020).
Hội thảo có chủ đề “Phong trào Đồng Khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam” là một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi. Hội thảo sẽ diễn ra ngày 19-12 tới tại tỉnh Bến Tre.
Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: T.B Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) cho biết, hội thảo nhằm khẳng định và làm rõ đường lối đúng đắn, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 15 (khóa I); sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào Đồng Khởi.
Hội thảo cũng sẽ phân tích, làm rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhằm đàn áp, ngăn chặn sự lớn mạnh, phát triển của Phong trào Đồng khởi; sự thất bại của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “Chiến tranh đơn phương”; diễn biến, kết quả của Phong trào Đồng Khởi; vai trò của các lực lượng tham gia nổi dậy; đặc điểm nổi dậy của từng địa phương trong phong trào Đồng Khởi, đỉnh cao là cuộc Đồng Khởi tại Bến Tre (17-1-1960).
Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược; sự phát triển của nghệ thuật mở đầu chiến tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam; phát huy giá trị của những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Thông tin chi tiết về hội thảo, Đại tá Trương Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, tính đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 75 bài tham luận của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Cà Mau… cùng nhiều nhà khoa học nghiên cứu lịch sử của đất nước.
Các tham luận tập trung vào 2 nội dung chính: Phong trào Đồng Khởi biểu hiện sự sáng tạo, độc đáo của cách mạng Việt Nam; Khẳng định tầm vóc, lịch sử và bài học kinh nghiệm từ phong trào Đồng Khởi.
Hội thảo sẽ có sự tham dự của khoảng 350 đại biểu, phóng viên và 180 cán bộ, chiến sĩ, sinh viên của tỉnh Bến Tre.
Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tham dự và phát biểu tại hội thảo.
Bên lề hội thảo sẽ có hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định (15-3-1920 - 15-3-2020) tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định là một trong những người lãnh đạo Đồng Khởi Bến Tre và là người chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng Khởi đợt I (17 -1- 1960) ở 3 điểm xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp (thuộc huyện Mỏ Cày Nam hiện nay) thắng lợi, mở đầu cho phong trào Đồng Khởi trong tỉnh Bến Tre và toàn miền Nam sau này.
TRẦN BÌNH