Diễn đàn diễn ra vào ngày 17-12 tại Hà Nội, sẽ thảo luận, làm rõ về đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Diễn đàn có quy mô bao gồm 1 phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì; 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì. Diễn đàn được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế đa phương và đại sứ quán, lãnh sự quán một số nước, các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phiên toàn thể do các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng chủ trì.
Trong phần trình bày gồm 5 báo cáo chính: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành 2023 do đồng chí Bộ trưởng Bộ KH-ĐT trình bày; Triển vọng kinh tế thế giới 2023 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam do Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) trình bày; Những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam 2023 qua đánh giá phản ứng chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế Châu Á 2023 do Giám đốc ADB tại Việt Nam trình bày; Ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế 2023 do Chủ tịch Quỹ VinaCapital trình bày; Tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 do Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam trình bày.
Tham gia phần thảo luận tại phiên tổng thể có đại diện lãnh đạo các bộ ngành, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế: Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam…
Các diễn giả thảo luận, làm rõ các kết quả tiêu biểu và bài học rút ra từ thực tiễn điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022; nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức (trong nước và từ bên ngoài) mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023; dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023; đề xuất, khuyến nghị các cơ chế, chính sách nhằm nắm bắt và cụ thể hóa cơ hội, vượt qua các khó khăn và thách thức để đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong năm 2023.
Diễn đàn có 4 hội thảo chuyên đề gồm: “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới”; “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”; "Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp”; “Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023”.
Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có biến động nhanh, phức tạp và vượt khỏi khả năng dự báo, khu vực doanh nghiệp tiếp tục chịu những tác động mạnh bởi hàng loạt khó khăn liên quan tới giá cả leo thang, thiếu hụt lao động, tiếp cận tín dụng… Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần nhận diện được bối cảnh và các xu thế lớn về kinh tế vĩ mô, cùng với nhiều vấn đề lớn đặt ra như: việc phục hồi kinh tế sau đại dịch; yêu cầu bảo đảm độc lập tự chủ trong phát triển kinh tế; về xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; cách thức để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực cũng phải thay đổi khi Việt Nam tham gia các FTA cũng như việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.
Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn (hiện đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN). Từ đó đặt ra yêu cầu và đòi hỏi trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế xã hội đất nước phải gắn với tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26…