Phát biểu tại Lễ mở thầu, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ý nghĩa của Chương trình sữa học đường là rất lớn, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công trong nhiều năm qua. Hà Nội không phải là địa phương đầu tiên triển khai Chương trình sữa học đường nhưng là 1 trong những địa phương thực hiện Chương trình này. Đối tượng thụ hưởng mà mục tiêu hướng đến của Chương trình là để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trước đó, để đảm bảo tính khách quan triển khai dự án, Sở đã tiến hành mở công khai hồ sơ đề xuất kỹ thuật (ĐXKT) của các nhà thầu vào ngày 10-10-2018 và tổ chức đánh giá hồ sơ ĐXKT theo đúng trình tự thủ tục và các văn bản quy định về đấu thầu, yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), nội dung trong hồ sơ dự thầu (HSDT) và các văn bản làm rõ HSDT. Kết quả đánh giá đã được Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt.
Tại lễ đấu thấu, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tham gia (sau khi đã lọt vòng loại kỹ thuật) với hồ sơ ĐXTC có hiệu lực 210 ngày kể từ ngày 10-10-2018 và giá dự thầu là 3.828.097.216.510 đồng, nhà thầu không có thư giảm giá. Như vậy, giá dự thầu của Công ty CP Sữa Việt Nam giảm khoảng 313.019 triệu đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ giảm giá khoảng 7,55%. Đây cũng là công ty có giá dự thầu thấp hơn giá dự thầu của những công ty còn lại. Không những thế, theo cam kết trong HSDT, Vinamilk cam kết mức hỗ trợ kinh phí lên đến 23% giá trị hàng hóa cho trẻ em và học sinh tiểu học và trẻ em, học sinh tiểu học hộ nghèo và gia đình chính sách.
Có thể nói, Vinamilk là doanh nghiệp đã tham gia chương trình sữa học đường tại nhiều địa phương trên cả nước như Bắc Ninh, Tuyên Quang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tây Ninh... thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi.