Công văn do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ký, cho rằng tình trạng này có thể gây ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi và xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau đến từng người lao động (NLĐ) tại khu trọ, nơi cư trú, nơi đang làm việc hoặc qua ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, đề nghị NLĐ không tự phát rời nơi đang cư trú để về quê; nêu rõ các hệ lụy của việc về quê tự phát, động viên NLĐ tiếp tục trở lại doanh nghiệp (DN) khi DN bắt đầu sản xuất.
Công văn cũng đề nghị hệ thống công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động khi ban hành các chế độ, chính sách giữ chân NLĐ như trả “lương tạm nghỉ việc”, hỗ trợ tài chính để NLĐ tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình; tăng lương, thưởng, phúc lợi khi DN đi vào sản xuất có hiệu quả; viết thư hoặc nhắn tin mời NLĐ đã về quê sớm trở lại DN; bố trí phương tiện đón NLĐ từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại DN…