Tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam không mang yếu tố thương mại

"Việc tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam có mục đích chính là giáo dục, cải tạo phạm nhân thông qua lao động, hỗ trợ phạm nhân chuẩn bị các điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng, chứ không mang yếu tố thương mại", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định trước Quốc hội.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng nay, 3-6, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam đã được trình Quốc hội để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 theo quy trình tại một kỳ họp.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về vấn đề này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, dự thảo Nghị quyết đảm bảo sự phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Các công ước nêu trên không cấm hoàn toàn hình thức lao động phạm nhân trên cơ sở bản án hình sự mà chỉ đặt ra các điều kiện để tránh lạm dụng phạm nhân như một hình thức cưỡng ép lao động hoặc như hình phạt/biện pháp đối xử riêng đối với một số nhóm phạm nhân nhất định. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ghi nhận một số hình thức lao động phạm nhân có liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân như phạm nhân tham gia làm việc như một phần của chương trình dạy nghề; làm việc cho cơ sở tư nhân ngoài trại giam như là một phần của chương trình tái hòa nhập cộng đồng; làm việc cho các cơ sở tư nhân ngoài trại giam vào ban ngày và trở về trại giam vào ban đêm.

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công an, thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam không vi phạm các Công ước quốc tế về lao động cưỡng bức, thể hiện qua 3 yếu tố. Đó là phạm nhân tự nguyện tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam (thông qua hình thức có đơn tự nguyện được tham gia lao động, học nghề); phạm nhân được trả tiền công lao động; trại giam là đơn vị trực tiếp quản lý, giám sát và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn, quản lý giam giữ, thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân, chế độ lao động, học nghề và sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân phải đảm bảo phòng ngừa tình trạng lao động cưỡng bức khi đưa phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, việc tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là chủ trương mới, tuy nhiên do đối tượng lao động trong trường hợp này là phạm nhân, nên không đơn thuần thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về lao động. Việc đảm bảo chế độ (trong đó có chế độ lao động), thực hiện quyền, nghĩa vụ cho phạm nhân và việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân được thực hiện như đối với phạm nhân trong trại giam theo Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam có mục đích chính là giáo dục, cải tạo phạm nhân thông qua lao động, hỗ trợ phạm nhân chuẩn bị các điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng. Tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam không mang yếu tố thương mại mà luôn gắn với nhiệm vụ giáo dục cải tạo và hướng nghiệp, dạy nghề.

Dự thảo Nghị quyết quy định, việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an, trong đó trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo kế hoạch do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt.

Nếu được Quốc hội thông qua, Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Tin cùng chuyên mục