Tôi xin mượn câu thơ của nhà thơ, nhà giáo, tiến sĩ, người lính từ chiến trường trở về với bục giảng - Hà Thiên Sơn viết về người thầy của mình “Tình yêu thầy là ngọn lửa đầu tiên”. Một câu thơ nguồn cội, thiết cốt, khởi nguyên như bắt đầu từ nước và lửa, từ sự sống và con người.
Tất cả đều từ cái đầu tiên ấy. Đầu tiên của tuổi ấu thơ đang trên ghế nhà trường. Bé Lại Tú Quỳnh 12 tuổi, học Trường Bàn Cờ TPHCM trong bài thơ Cô giáo em bé viết: “Ngày đầu vào lớp/Cô đến từng bàn/ Biết các em lo/Lắc đầu cô bảo/Trên môi nụ cười/Không khó đâu/Không khó đâu/”. Kỳ diệu với tuổi thơ mới chỉ có cảm mà không hiểu được. Cũng chỉ cái cảm ấy, bé Khánh Chi ở tuổi 13 học Trường Hồng Bàng, TP Hải Phòng trong bài thơ “Em nghĩ về cô” bằng một cảm nhận cô là thiên nhiên, là cổ tích “Em là chồi của cây/Em là con sông lớn/Là cánh buồm mùa xuân/Cô làm ánh sáng cho em/Làm suối cho sông em lớn/Làm mặt trời cho lửa em sáng/Gió cô thổi em suốt bốn mùa”.
Lớn lên làm người giải phóng quân vào trận đất đá ngổn ngang cái chết nhưng sao lòng dạ vẫn yên ổn. Đó là khi trong hồn người chiến sĩ có lời cô văng vẳng bên tai, lời đất đai, sông núi của bài địa lý cô giảng. Người chiến sĩ nhà thơ Phương Bằng Tín trong cuộc chiến đấu đã ghi lại hồn cô trong thơ: “Dưới núi đạn thù găm, đỉnh núi bom thù như lá rụng/Con đi giữa cái chết bốn phía ào ào mưa tầm súng/Con như đi trong bài địa lý của cô về mảnh đất đỏ màu son”. Còn những anh chiến sĩ trở về sau chiến trận, tuy thân thể không vẹn nguyên, nhưng lời đầu tiên, cũng là lời ngọn lửa vẫn nguyên vẹn như ngày ra đi: “Một tay con xin được nắm tay thầy/Giây phút lặng yên chẳng nói/Mái tóc thầy điểm sương/Thầy nắm chặt tay con như không thể nào khác/Con thấy mình bé nhỏ quá, thầy ôi” (Hà Thiên Sơn).
Cái đầu tiên cũng là cái nhỏ bé của người lính sau trận về thăm thầy làm chúng ta nhớ cách đây 600 năm, thời vua Trần Duệ Tôn, những thám hoa, bảng nhãn danh lớn công to là thế, mỗi lần về thăm thầy Chu Văn An đều bỏ hết áo mão, hai chân đứng đất vòng tay hầu thầy. Họ kính phục không chỉ thầy có cuộc sống thanh bần mà thầy của đạo cao như núi Thái, đạo sáng như ánh sao. Đạo thầy có trong thơ Nguyễn Trãi: “Ơn thầy, ơn chúa, mấy ơn cha”. Đạo thầy cũng là đạo người có trong thơ Nguyễn Đình Chiểu: “Lòng đạo xin tròn một tấm gương”. Và ngày nay Bác Hồ nói sự nghiệp dạy học là dạy người, trồng người.
Người thầy không thời nào không đứng cùng nhân dân để cứu đời giúp nước. Thầy Chu dâng sớ xin chém 7 nịnh thần. Đấy là cuộc chiến đấu vì lương tâm, vì chính nghĩa. Thầy Nguyễn Đình Chiểu mắt bị mù tìm đến với những cuộc khởi binh, viết thơ viết văn tế trao vũ khí tinh thần cho nghĩa quân đánh giặc. Chính đó đôi mắt khí tiết sáng trong của đạo cao đức dày Nguyễn Đình Chiểu “Cuộc đời sáng mãi vần thơ/Gương soi phẩm giá đến giờ vẫn trong/Ra đi chén rượu đỏ lòng/Khăn điều ai nhuộm sắc hồng máu tim/Sương mù không ướt cánh chim/Cồn dâu nho nhỏ vút lên đại bàng” (Bảo Định Giang).
Đi qua hai cuộc kháng chiến học trò của thầy cô là những chiến sĩ làm tiếp sự nghiệp của thầy cô đi tới. Trong cuộc xây dựng để làm cuộc sống mới, ngoài vật lộn với cái cũ, cái tiêu cực đầy hiểm hóc còn là cuộc chiến đấu với thiên tai, dịch họa đầy thảm cảnh cho con người. Đó là cuộc chiến đấu chống giữ thiên nhiên quái ác có thầy cô quên mình giành giữ từng giờ học, từng cái sống cho trẻ thơ.
Hãy nghe hai bài thơ không khác gì hai lá thư. Một thư kể về một cô giáo miền Tây. Trong lụt, tay cô vừa giữ chắn cửa lớp, tay vừa làm loa giảng bài: “Hai bàn chân dầm mềm nước bạc/Trẻ níu lưng cô tay nắm tay/Sóng hai bên, cô đi giữa giăng dây/Thương trẻ ngồi trên bao cát học” (Hàn Anh). Một thư viết từ trận bão lũ miền Trung về một cô giáo nhường thuyền cho học sinh sống. Ngày đưa cô lên vai trong ngày giáp xuân bà con địa phương nói: “Chúng tôi đặt cô lên đỉnh xuân đây, cô giáo ơi”. Bài thơ có tên Đặt em lên đỉnh xuân của bà con địa phương viết: “Cô trên đỉnh bão bay qua tháp/Kêu giữ từng em được vẹn nguyên/Cô trên đỉnh lũ bay qua thác/Ôm những bàn tay níu mạn thuyền/Thương tuổi xuân cô nay gửi lại/Bà con đặt cô lên đỉnh xuân”.
Đạo thầy, đạo học từ xưa đã có ngôi sao trên đỉnh núi (sơn đẩu). Ngày nay cái nghĩa cả xả thân có thêm nghĩa mới - đỉnh xuân (thượng xuân)
Ngày Nhà giáo VN 20-11-2012
Trúc Chi