Tình yêu của chị, chúng em giữ gìn

Chị không hẳn là người giỏi nghề nhất, nhưng nói về tình yêu và tâm huyết dành cho nghề báo và Báo SGGP thì không gì bàn cãi. Nó cứ bàng bạc như một lẽ sống của chị…

“Báo mình là cuộc đời của chị”, câu nói này ứng với những năm tháng chị Thạch Thảo ở cõi tạm. Chị từng kể, ngày còn nhỏ, chị đã hứng thú khi đọc những bài báo in trên tờ báo có cái khổ to đùng của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM. Tốt nghiệp đại học, chị được tuyển và làm việc ở Báo SGGP cho đến ngày trút hơi thở sau cùng.

Trước khi lâm bệnh, ngóc ngách nào ở tòa soạn cũng có bóng dáng “chị Ù”. Báo SGGP chính là “nhà của chị”, như một lần chị nói. Có lẽ với chị, gia đình là thương, là không nỡ; còn SGGP chính là tình yêu, là trăn trở.

Trong những câu chuyện của chị vẫn luôn là trăn trở về vị thế của tờ báo Đảng giữa ngồn ngộn biến đổi của cuộc sống; là làm sao viết chính trị… ít chính trị nhất; là những loạt bài điều tra mang “thương hiệu SGGP” vừa đúng định hướng vừa làm cho ra tấm ra miếng… Chất máu lửa, xông pha của một nhà báo kiêm cựu cán bộ Đoàn in đậm trong từng con chữ, bài viết và tuyến bài do chị tổ chức.

Chị Bùi Thạch Thảo, đại diện Công đoàn Cơ sở Báo SGGP, trao quà tặng Đồn Biên phòng Phước Thiện (Bình Phước) vào tháng 7-2022

Chị Bùi Thạch Thảo, đại diện Công đoàn Cơ sở Báo SGGP, trao quà tặng Đồn Biên phòng Phước Thiện (Bình Phước) vào tháng 7-2022

Có lần đang ngồi ăn, chị rủ rê: “Mấy đứa, chị ấp ủ đề tài này 5 năm rồi mà chưa có sức đi lại. Đó là trở lại chiến trường biên giới Tây Nam, còn rất nhiều điều mình cần phải làm để sòng phẳng với lịch sử và những chứng nhân. Đi làm với chị nhe, hay lắm”.

Vậy là chị giấu bệnh, lên đường. Tuyến bài ra đời, chị khóc, bài đăng nhận được phản hồi động viên từ nhiều giới, chị cười thỏa nguyện. Rồi chị tâm tư về vùng đất, con người của những tháng năm cuộc chiến Vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc; Đặc san 30-4 năm sau phải mới, hay hơn năm nay…

Nhưng bao dự định đều phải gác lại vì bệnh tình đã không thể giấu nữa rồi. Chị nhập viện với hy vọng sẽ khỏe để giữ lời hứa quay về làm báo Xuân 2024. Những ngày ra khỏi ICU, việc đầu tiên chị làm khi được trả điện thoại là mở epaper đọc hết Báo SGGP từ ngày nằm viện. Những hôm tay đỡ sưng, chị nhắn dòng tin gọn lỏn cho êkíp rằng báo tết năm nay, mình làm đề tài này nhé…

Không phải ngẫu nhiên mà chị thích chỉ dẫn và làm điểm tựa cho những phóng viên, cộng tác viên trẻ mới vào báo, bởi “báo mình cần người trẻ, em à”. Chị cũng nói thật nhiều về những cám dỗ của nghề, vì muốn chúng tôi làm nghề thẳng thuốm… Thứ chị muốn trao truyền chẳng phải kiến thức chuyên môn mà là tình yêu dành cho SGGP và bạn đọc. Bởi chỉ khi yêu, người ta mới dành hết tâm tư để phụng sự.

Có những hôm trời mưa còn kẹt lại ở tòa soạn, chị nói thích mưa vì nó có giá trị gột rửa để sự sống sinh sôi, sau cơn mưa trời lại mới và thỏa sức ngủ vùi trong chăn ấm.

Vậy mà, một đêm cuối tuần khi mùa làm báo tết của làng báo vừa chớm, trời Sài Gòn đổ mưa thật lớn, chị ôm trọn tình yêu và niềm thương của mình đi về một miền khác. Giờ thì chị có thể an nghỉ bình yên rồi. Nhưng mà, chị Thảo ơi, cỏ - sẽ hoài xót thương…

Từng cùng nhau tham gia công tác xã hội của Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM, anh Mai Việt Hùng, cựu cán bộ Đoàn Tổng Công ty Bến Thành, chia sẻ, chị thường trăn trở, tâm huyết với công việc, với công tác Đoàn và sự phát triển của thành phố cũng như lắng nghe nhiều người, chia sẻ góc nhìn nghề báo.

Nhà báo Phạm Hoài Nam, nguyên phóng viên Báo SGGP, nghẹn ngào: Gần 20 năm đồng hành, tôi nhiều lần cùng Thảo vác ba lô đến những nơi xa khó, heo hút nhất để tác nghiệp. Ở nơi nào trên dãy Trường Sơn hùng vĩ mà em cùng tôi đi qua, các anh bộ đội biên phòng và đồng bào các bản làng đều nhắc nhớ đến em! Không ngờ, chuyến trở lại Trường Sơn tháng 7-2022 lại là chuyến đi cuối của anh em tôi. Nhìn nhận chị từ góc độ người làm quản lý báo chí ở mảng văn hóa, nhạc sĩ Trương Quang Lục khẳng định, nhiều năm qua, với sự điều hành của Thạch Thảo, lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của Báo SGGP có nhiều loạt bài, vệt bài sắc bén, tạo hiệu ứng xã hội nhất định.

Nhà báo Mai Hương, Báo Tuổi Trẻ, nhớ lại: Đã gần 20 năm từ ngày chúng tôi bước chân vào thực tập ở Báo SGGP, đó là nơi lần đầu tôi gặp chị, cùng tập tành làm báo. Những năm dài làm cộng tác viên chưa biết ngày nào mới được ký hợp đồng chính thức, nhiều lúc tôi nghĩ nếu là chị, tôi đã không đủ kiên nhẫn mà sẽ rẽ sang con đường khác. Vậy mà chị chỉ cười: “Không làm Báo SGGP thì chị nghỉ làm báo luôn em ơi!”.

TIỂU TÂN ghi

Tin cùng chuyên mục