Ông Đỗ Quang Ba, Chủ tịch FAVIJA, cho biết, có hơn 300.000 người Việt Nam đang làm việc, sinh sống khắp Nhật Bản, trong đó tới gần 80% ở độ tuổi 20 - 30. Ngoài thời gian học tập, làm việc, thanh niên Việt tại Nhật Bản bị hạn chế về ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, khó có sân chơi giải trí một cách đúng nghĩa. Do đó, các giải bóng đá do FAVIJA tổ chức là những món ăn tinh thần bổ ích, giúp người trẻ rèn luyện sức khỏe, thêm đoàn kết, tăng cơ hội giao lưu với cộng đồng, trao đổi kinh nghiệm học tập…
Nhân sự kiện này, công ty sản xuất thiết bị điện tử Lion Power của Nhật Bản đã hoạch định chiến lược mới, trong đó tận dụng khai thác tình yêu bóng đá ở Việt Nam để tìm kiếm lao động trong lĩnh vực kỹ thuật.
Theo Asian Nikkei Review, Công ty Lion Power có trụ sở tại thành phố duyên hải Komatsu, thuộc tỉnh Ishikawa, sẽ tiếp nhận 3 kỹ thuật viên người Việt Nam có kinh nghiệm chơi bóng đá vào tháng 4-2021. Trong khi đó, cơ quan tuyển dụng địa phương cũng tìm kiếm các ứng cử viên tiềm năng tại các trường học và câu lạc bộ bóng đá, sau đó tiến hành phỏng vấn. Những lao động trúng tuyển này sẽ chơi cho LionPower Komatsu, đội bóng được thành lập năm 2003, với thành phần là các công nhân của Công ty Lion Power.
Chủ tịch của Công ty Lion Power, ông Keishiro Takase, là người quản lý đội bóng này. Trước đó, ông Takase từng là HLV của CLB Shonan Bellmare chơi tại giải J-League.
Ngoài thời gian trên sân cỏ, công việc chủ yếu của các công nhân Việt Nam là lắp ráp các bảng mạch điện tử. Những lao động có kỹ năng chơi bóng tốt sẽ được cấp một thị thực làm việc đặc biệt, với thời hạn lên đến 5 năm.
Lion Power cho biết, công ty này đang xem xét việc trả lương cho các kỹ thuật viên người nước ngoài ngang bằng với nhân viên chính thức của công ty, hoặc thậm chí cao hơn, tùy thuộc vào hiệu suất công việc, tính cả trong công việc kỹ thuật chuyên môn cũng như sự thể hiện trên sân cỏ. Ngoài ra, Lion Power cũng dành vị trí trong CLB trên cho một cầu thủ Nhật Bản xuất thân từ một trường đào tạo bóng đá thuộc khu vực Tokyo vào tháng 4 này.
Lion Power phát động chương trình tuyển dụng dựa trên kỹ năng bóng đá trên trong bối cảnh xu hướng bỏ việc ở các kỹ thuật viên nước ngoài ngày một gia tăng. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2018, đã có tổng cộng 9.052 công nhân bỏ việc, chiếm khoảng 2% tổng số học viên và gần gấp đôi số người bỏ việc trong năm 2014.
Việc chơi bóng cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kỹ năng giao tiếp và giúp người lao động học tiếng Nhật nhanh hơn, qua đó duy trì động lực làm việc của họ. Khi có tên trong đội bóng Lion Power, các cầu thủ cũng sẽ có cơ hội thi đấu trong một giải đấu cấp tỉnh với các suất chơi đặc biệt dành riêng cho người nước ngoài.