Mới thẩm định được 12 tỉnh về đề án sắp xếp đơn vị hành chính
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, việc thí điểm sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thời gian qua, Bộ đang dự thảo văn bản báo cáo Bộ Chính trị về việc hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận số 34-KL/TW. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Đến ngày 17-9, Bộ Nội vụ đã nhận được Phương án tổng thể của 41/46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đã có 19 tỉnh, thành phố gửi đề án chi tiết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và Bộ Nội vụ đã tổ chức thẩm định cho 12 tỉnh.
Qua thẩm định, nhìn chung các địa phương đã bám sát các quy định của Đảng và Nhà nước để xây dựng hồ sơ đề án. Nội dung đề án đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để vừa đạt mục tiêu là giảm số lượng đơn vị hành chính, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp; đồng thời xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Về số lượng người làm việc (biên chế viên chức) trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có mức tăng dân số cơ học cao và 5 tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam rà soát cụ thể số biên chế giáo dục, y tế của các địa phương để bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có viên chức y tế” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc triển khai Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030. Tính đến này, Bộ Nội vụ đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; đồng thời đã có văn bản đôn đốc các Bộ thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung rà soát hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo nguyên tắc một nhiệm vụ chỉ giao cho một đầu mối và nếu cần thiết thì Bộ, ngành chỉ có một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Liên quan tới báo cáo việc xem xét trách nhiệm nêu gương của bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng ban Dân vận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng và các cán bộ liên quan trong việc tổ chức đám cưới con trai bà Hồ Thị Cẩm Đào. Bộ Nội vụ thông tin, trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có đã có Công văn số 1860/UBND-TH ngày 3-9-2019 Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu. Theo đó, quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng là kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với bà Hồ Thị Cẩm Đào và các tổ chức, cá nhân liên quan.
“Căn cứ thẩm quyền quản lý cán bộ, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ban của Đảng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định của Đảng và của pháp luật”, lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định.