Từ đe dọa an ninh quốc gia...
Đây là vụ tấn công mạng mới nhất trong loạt vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian gần đây trên toàn cầu, nhất là tại Mỹ. Trước đó, ngày 2-7, Công ty Công nghệ thông tin Kaseya của Mỹ (chuyên cung cấp dịch vụ an ninh mạng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa) xác nhận phần mềm VSA của công ty này, vốn được sử dụng để quản lý và giám sát máy tính từ xa, đã bị tấn công. Mặc dù Kaseya khẳng định đã giới hạn vụ tấn công ở một tỷ lệ rất nhỏ khách hàng sử dụng phần mềm này, tuy nhiên công ty về an ninh mạng Huntress Labs cho biết phần mềm trên đã bị thao túng “để mã hóa hơn 1.000 công ty”. Sau khi xảy ra vụ việc trên, Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng của Mỹ (CISA) đã đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng tắt máy chủ để tránh hệ thống bị tấn công.
Thời gian qua, số vụ tấn công mạng trên thế giới tăng cao. Những vụ tấn công mạng sử dụng mã độc thường được thực hiện theo phương thức mã hóa để cô lập dữ liệu trong hệ thống và đòi nạn nhân phải trả tiền chuộc. Phương thức này thường được kẻ xấu tấn công vào các cơ quan hoạt động ở các lĩnh vực dầu khí, dịch vụ y tế, vận tải truyền thông..., nhiều nhất là ở Mỹ. Theo Công ty An ninh mạng Emsisoft, năm 2020, các tin tặc được cho là đã kiếm được khoảng 18 tỷ USD tiền chuộc kiểu này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định, nước này coi tấn công mạng là nguy cơ an ninh quốc gia.
... đến các mục tiêu dân sinh
Không chỉ tại Mỹ, ngày 3-7, Coop Sweden, chuỗi siêu thị chiếm khoảng 20% thị phần ở Thụy Điển, phải tạm đóng cửa khoảng 800 cửa hàng trên toàn quốc sau khi hệ thống thanh toán trục trặc vì tin tặc. Coop Sweden thông báo một trong những nhà thầu phụ bị tấn công mạng, khiến hệ thống thanh toán của chuỗi siêu thị này bị tê liệt.
Ngày 30-6, kênh truyền hình Russia-24, đang phát sóng cuộc đối thoại trực tiếp của chương trình “Đường dây nóng với Tổng thống Vladimir Putin”, cũng đã hứng chịu những đợt tấn công mạng nghiêm trọng.
Theo số liệu của Công ty An ninh mạng BlackFog, từ đầu năm 2021 đến nay, các tổ chức, doanh nghiệp Mỹ hứng chịu 52 cuộc tấn công bằng mã độc (ransomware), cao hơn gấp 3 lần so với quốc gia đứng thứ 2 là Anh (16 cuộc), tiếp theo là Pháp (7), Canada (7), Australia (4), Hà Lan (4) và Ấn Độ (3). Phần còn lại của thế giới chỉ chịu 39 lần bị tin tặc tấn công. Giới chuyên gia an ninh mạng cũng khuyến cáo, các cuộc tấn công mạng bằng mã độc tống tiền sẽ còn kéo dài. Theo báo cáo từ Văn phòng Năng lượng Liên bang Thụy Sĩ, các nhà cung cấp điện ở Thụy Sĩ rất dễ bị tấn công mạng theo kiểu Colonial Pipeline - công ty đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất tại Mỹ bị tấn công bằng mã độc tống tiền hồi tháng 5 vừa qua.
Những cuộc tấn công kiểu này vào các doanh nghiệp sản xuất, điều hành giao thông, bệnh viện, điện lực… có khả năng gây ra tình trạng hỗn loạn trong cuộc sống... Sự gián đoạn càng lớn, các công ty bị tấn công càng nhanh chóng trả tiền cho tin tặc để sớm khắc phục vấn đề. Giới chuyên gia an ninh mạng cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước vì các cuộc tấn công gây ra ảnh hưởng không chỉ tới một người, một công ty mà có thể lan ra cả một thành phố, thậm chí là một quốc gia.