Tại phiên họp Quốc hội sáng 23-10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Chính phủ cũng cho biết, về tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tính đến ngày 30-9-2018, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương là 1.219 tỷ đồng (giảm khoảng 92% so với tổng số nợ 15.218 tỷ đồng vào thời điểm tháng 1-2016).
Về kết quả thực hiện 2 chương trình quốc gia, đến nay cả nước có 3.542 xã (39,7%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến hết năm 2018 sẽ vượt mục tiêu có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn). Có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tăng 40 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2015 (hoàn thành và vượt mục tiêu năm 2018 có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn NTM).
Về giảm nghèo, giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 100/2015/QH13 là từ 1%-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo bình quân mỗi năm giảm 5,43%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội giao. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%.
Tuy vậy, Chính phủ thừa nhận, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn khá lớn; kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp.
Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng, thông qua chương trình, nguồn lực xã hội từ các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đã được huy động vào việc thực hiện các mục tiêu của chương trình, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của đòi sống xã hội; làm thay đổi nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng và xã hội.
Cụ thể, chương trình xây dựng NTM, việc dự kiến bố trí 193.155 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trong giai đoạn 2016-2020, các bộ ngành, địa phương đã tích cực huy động các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đạt 96.093 tỷ đồng, vốn tín dụng đạt 512.450 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 39.480 tỷ đồng, cộng đồng và người dân đóng góp 56.799 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư cho chương trình xây dựng NTM.
“Nguồn vốn ngân sách thực sự đã đóng vai trò thu hút các nguồn vốn khác từ cộng đồng và của chính người dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Kết quả xây dựng NTM cũng chưa thực sự đồng đều, các xã đạt tiêu chí NTM tập trung nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Tỷ lệ hộ nghèo ước đến cuối năm 2018 chỉ còn dưới 6%, giảm khoảng 1%-1,3% so với đầu năm 2018. Mặc dù, đây là tín hiệu đáng mừng song Ủy ban cho rằng cần chú trọng tính bền vững của chương trình khi số hộ tái nghèo bằng khoảng 5% số hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao (22,98%) so với tổng số hộ thoát nghèo, tình trạng tái nghèo đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, những nơi thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt.
Ủy ban đề nghị Chính phủ thực hiện đúng nguyên tắc không ban hành văn bản chính sách khi không có nguồn lực bảo đảm. Tập trung rà soát 21 chương trình mục tiêu; loại bỏ các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu trùng lặp với mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.