Sụt lún xảy ra ở nhiều khu vực
Những ngày đầu tháng 5, PV Báo SGGP đã quay trở lại khu vực sạt lở nghiêm trọng tại bờ kè kênh Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM). Ghi nhận cho thấy, bờ kè bị sạt lở, cây cối, nhiều nhà cửa của người dân bị kéo đổ rạp, nghiêng hẳn ra phía sông. Một số hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn, nhưng những hộ ở lại thì đang sống trong cảnh lo âu, bởi tình trạng sụt lún tiếp tục có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trước đó, vào tháng 6-2023, một đoạn kè ở khu vực này đã bị sạt lở, sụt lún gây thiệt hại cho người dân. Báo cáo của UBND phường 25, quận Bình Thạnh cho thấy, phạm vi hư hỏng, sụt lún có chiều dài khoảng 220m, rộng 2,5m, chiều sâu lún khoảng 0,5-0,8m, một số vị trí sụt lún đến 1m. Nguyên nhân sơ bộ là do nền móng một số nhà dân bị rỗng do cát và vật liệu xây dựng bị nước rút ra sông qua đường thoát nước ngầm khi nước triều rút làm sụt lún đỉnh kè.
Trong khi đó, tại các hẻm 67, 89 đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM), nhiều nền móng của các tòa nhà đang bị nứt, độ nứt khoảng 10-20cm. Theo bà Nguyễn Thị Lý (ngụ hẻm 67 đường Nguyễn Hữu Cảnh), tình trạng sụt lún ở đây diễn ra khoảng 4-5 năm nay, qua mỗi năm nền móng của nhiều nhà dân lại bị nứt nhiều hơn nên rất lo lắng.
Tình trạng sụt lún nền móng cũng đang xảy ra ở một số công trình trường học, khu chung cư ở phường An Khánh (TP Thủ Đức) và nhiều khu vực khác trên địa bàn TPHCM.
Ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, cho biết, các nghiên cứu khoảng 5 năm trở lại đây cho thấy, thời gian qua, thành phố có nơi sụt lún lên tới 81cm, nơi thấp nhất là 1,99cm, tính trung bình là khoảng 23,27cm. Cộng hưởng với đó là hiện trạng lượng nước mưa tăng đột biến, mực nước sông dâng cao hơn bình thường.
Nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong các năm 2005, 2014, 2017 cho thấy, các địa phương có mức độ sụt lún đáng kể, bao gồm: quận 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân và TP Thủ Đức. Riêng tại quận Tân Bình và quận 12 được ghi nhận có mức sụt lún nền lớn nhất.
Những khu vực tập trung nhiều công trình thương mại có tốc độ lún cao hơn, khoảng 7-8cm/năm. Quan trắc lún bằng phân tích InSAR (kỹ thuật dựa trên độ lệch pha của tín hiệu radar) của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng cho thấy, sụt lún đất nền ở TPHCM giai đoạn năm 2006-2020 có mức độ nghiêm trọng ở các quận nội thành và các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân.
Đồng bộ giải pháp
Nhiều ý kiến cho rằng, sụt lún không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng nhiều đến vấn đề quy hoạch không gian ngầm của thành phố.
Mới đây, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TPHCM với UBND TPHCM về thực hiện quy định pháp luật trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn TPHCM giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2023, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề, nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt vừa qua có xử lý vấn đề sụt lún, xử lý rác thải và chống ngập của thành phố hay không, bởi đó là những nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sự phát triển bền vững của thành phố. Không chỉ vậy, đây cũng là một trong những vấn đề thuộc quy hoạch không gian ngầm cho thành phố.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc các dự án bất động sản mọc lên ngày càng nhiều, kèm theo đó là sụt lún đang khiến vấn đề chống ngập trở nên nan giải. Để giải quyết bài toán này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất, thành phố cần lập một quy hoạch chi tiết. Khi điều chỉnh đồ án quy hoạch chung đô thị, thành phố phải xác định khu nào khuyến khích phát triển, khu nào cần hạn chế, khu nào không được làm theo cả chiều ngang, chiều dọc, chiều sâu.
Để hạn chế tình trạng sụt lún ở TPHCM, các nhà khoa học cho rằng, thành phố cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, việc đầu tiên là cần giảm mật độ xây dựng nhà cao tầng ở những vùng có nền đất yếu, song song với đó là các giải pháp hạn chế khai thác nước ngầm...
Theo các chuyên gia của JICA, sụt lún đất nền ở TPHCM là vấn đề nghiêm trọng, cần phải xem xét nhiều giải pháp ứng phó. Các giải pháp này cần được thực hiện trong thời gian dài và phải được chuyển giao công nghệ. Một trong những kế hoạch hàng đầu để hạn chế sụt lún đất nền ở TPHCM là phải kiểm soát việc khai thác nước ngầm quá mức.
Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM:
Trám lấp các giếng hỏng, không có giấy phép khai thác
Mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ giảm khai thác nước ngầm còn 100.000m3/ngày và tiến tới chấm dứt việc khai thác nước ngầm; đồng thời, thành phố cũng sẽ thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không có giấy phép khai thác.
Để thực hiện những mục tiêu đã đề ra, Sở TN-MT sẽ tiếp tục phối hợp các quận, huyện, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đến người dân; vận động người dân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nước ngầm; hướng dẫn trám lấp giếng khoan không sử dụng để người dân có thể tự thực hiện.
GS LÊ HUY BÁ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM:
Nguy cơ sụt lún xảy ra ở các khu vực có mật độ xây dựng cao
Tình trạng sụt lún ở TPHCM đã được chỉ ra từ lâu. Nguyên nhân chủ yếu là vì nước xâm nhập vào đất, làm nhão đất. Túi nước ngầm dưới sâu bị khai thác quá mức, tạo thành những khoảng trống trong lòng đất, gây lún. Không những vậy, nhiều khu vực đang phải tải một khối lượng lớn công trình xây dựng nhà cao tầng, chung cư…
Quá trình đào móng xây dựng các công trình đã tác động rất nhiều đến kết cấu địa chất trong lòng đất khiến tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng. Sụt lún gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người dân và ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của thành phố. Hậu quả nhãn tiền dễ thấy nhất là tình trạng ngập úng đô thị và nguy cơ đe dọa đến hạ tầng đô thị lẫn các công trình ngầm.
Để hạn chế tình trạng sụt lún, cần giảm các tác động làm gia tăng tốc độ lún như giảm tải trọng công trình, siết chặt việc khai thác nước ngầm trong sinh hoạt và sản xuất; tập trung đầu tư mở rộng, cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dùng nước sạch trên địa bàn. Đặc biệt, TPHCM phải lưu ý tới việc mở ra các đô thị vệ tinh, chú trọng việc phát triển đô thị về hướng Bắc và Tây Bắc như huyện Hóc Môn, Củ Chi.
TS-KTS VÕ KIM CƯƠNG, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM:
Hạn chế xây dựng công trình lớn ở khu vực đất yếu
Nguyên nhân chính đang gây ra tình trạng sụt lún ở TPHCM hiện nay đó là sụt lún do tự nhiên, liên quan đến bề mặt, kết cấu đất; sụt lún do khai thác nước ngầm và sụt lún do tải trọng công trình và một phần do tác động của các phương tiện giao thông có trọng tải lớn.
Để hạn chế tình trạng sụt lún ở TPHCM, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, với nguyên nhân về tác động của các công trình xây dựng thì cần có giải pháp giảm mức độ xây dựng các công trình cao tầng ở trung tâm thành phố và hướng ra các vùng lân cận như TP Thủ Đức, huyện Củ Chi; cần phát triển đô thị trên nền đất cứng và hạn chế phát triển khu vực đất yếu như huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
Với nền đất yếu thì phải có giải pháp kỹ thuật để gia cố nền đất. Với nguyên nhân do khai thác nước ngầm, do sức chịu tải của đất là có hạn, túi nước ngầm còn bị khai thác thì sẽ không có sức nâng nên lún là tất yếu. Do vậy, cần có giải pháp không để người dân khoan giếng vô tội vạ, kiểm soát việc khai thác nước ngầm. Còn đối phó với nguyên nhân do tự nhiên thì chúng ta không có cách nào xử lý, phải tìm cách thích ứng (hạn chế phát triển công trình xây dựng ở những khu vực dễ sụt lún, hạn chế phương tiện giao thông có tải trọng lớn…).