Ngày 23-3, tại Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc đã có nắng ấm. Riêng tại khu vực Tây Bắc bộ có nắng đến nắng nóng, nhiệt độ đo tại huyện Sông Mã (Sơn La) 35 độ C, huyện Yên Châu (Sơn La) 37 độ C, huyện Phù Yên (Sơn La) 37,5 độ C, tại huyện Tương Dương (Nghệ An) 36,5 độ C…
Thế nhưng, tại Hà Nội và các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, TP Hải Phòng… lại xảy ra tình trạng nồm ẩm. Nền nhà và đồ đạc đọng hơi nước. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết, ngoài trời có nắng nhưng trong nhà ướt đẫm nước. Chị Lê Mỹ Duyên ở huyện Kinh Môn (Hải Dương) và chị Trần Thu Hằng ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, ngoài sân - ngoài trời khô ráo nhưng trong nhà rất ẩm, hơi nước không bốc lên được, càng lau chùi càng ướt thêm.
Nguyên nhân nồm ẩm là do có gió Nam và Đông Nam đẩy hơi ẩm từ vịnh Bắc bộ vào. Khi nhiệt độ trong nhà cao hoặc thấp hơn bên ngoài trời quá nhiều sẽ gây tình trạng hấp hơi nước.
Theo cảnh báo của các chuyên gia khí tượng, từ ngày 23-3, miền Bắc lại chuyển sang hình thái nhiều mây, có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, độ ẩm không khí tăng cao, trời lạnh về đêm và sáng. Dự báo, hiện tượng nồm ẩm sẽ kéo dài đến cuối tháng 3. Sau đó, cả nước xuất hiện một đợt nắng nóng gay gắt.
Trong khi miền Trung bắt đầu tăng nhiệt mạnh, cục bộ có nắng nóng. Đông Nam bộ tiếp tục nắng nóng kéo dài.
Các chuyên gia khí tượng dự báo, gần cuối tháng này, khu vực Tây Nguyên có thể có đợt mưa giải hạn. Nông dân ở Tây Nguyên cho biết, nắng nóng đã kéo dài ở khu vực này, cà phê không phát triển được, có nguy cơ mất mùa vì nắng nóng.