Trong phòng bệnh thì 2 - 3 người nằm chung một giường, ngoài hành lang thì kẻ nằm người ngồi cũng đông chật kín…
Mới 5 giờ sáng, bệnh nhân đã xếp hàng dài ở các khu vực để lấy số khám bệnh. Sau đó, họ tiếp tục đợi đến lượt mình được khám bệnh, đôi khi phải đợi đến trưa vì bệnh nhân quá đông. Chiều tối, nhiều bệnh nhân ở tỉnh xa không kịp đi về trong ngày, cũng không dư dả để thuê phòng trọ, nên phải ngủ lại ở các hành lang bệnh viện (BV). Trên các bậc thang và ghế đá BV cũng la liệt người bệnh với những khuôn mặt khắc khổ, mệt mỏi.
Chú Đặng Văn Bé (ngụ tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Cứ cách 3 tuần, tôi lại chở vợ từ Sóc Trăng lên đây để hóa trị, mỗi lần hết 3 ngày. May mà tôi có người quen ở TPHCM, nên ghé lại ở nhờ. Những bệnh nhân ngoại trú nhà xa, hoàn cảnh khó khăn, lại không có nơi ở nhờ trong thời gian điều trị thì phải ngủ tạm ở hành lang và các sảnh của BV. Cũng có một số trường hợp ngoại trú do sợ phát bệnh đột ngột không kịp xoay xở, nên ở lại đây để có bác sĩ cấp cứu. BV cũng thông cảm, cố gắng sắp xếp những vị trí thông thoáng, sạch sẽ cho họ nằm đỡ. Mỗi người bệnh phải có một thân nhân theo chăm sóc, nên nhiều khi trong hành lang BV chỗ ngồi còn không đủ, chứ đừng nói là nằm”. Cô Xuyên (bệnh nhân ngoại trú) kể: “Trời không mưa còn đỡ, những đêm trời đổ mưa, mọi người kể cả bệnh nhân nháo nhào chạy loạn xạ. Có lần tôi thấy một bệnh nhân ngoại trú bị mưa ướt lạnh, lại thêm bị ngộp hơi người vì chen chúc quá đông, nên lên cơn co giật mạnh. Bác sĩ, y tá phải rất khó khăn mới đem được băng ca tới để đưa đi cấp cứu”.
Lách mình khó khăn qua dòng người dưới sảnh, chúng tôi đến khu vực của các bệnh nhân nội trú. Vừa bước chân vào cửa phòng đã có thể cảm nhận rõ không khí tù túng, ngột ngạt, vì trên giường, trên ghế, dưới sàn và cả dưới gầm giường, không chỗ nào không có người nằm. Nhiều bệnh nhân không chịu nổi cảnh chen chúc chung giường bệnh, phải ra trải chiếu nằm dọc đường đi. Cô Thanh Hồng (ngụ Tiền Giang, đang chăm sóc chồng bệnh) chia sẻ: “Bác sĩ có sắp xếp giường nhưng phải nằm chung với 2 bệnh nhân khác, rất khó chịu, chật chội, không xoay trở được, tôi phải xin cho chồng tôi ra hành lang nằm. Mỗi ngày, khoảng 9 giờ sáng, khi bác sĩ đến khám thì tôi dìu chồng vô phòng, khám bệnh xong lại dìu ra; đến trưa y tá chích thuốc, lại dìu vô. Mỗi ngày ít nhất 3 lần như vậy. Hàng ngày tôi phải xin cơm từ thiện ăn qua bữa, chứ không dám vào quán vì tốn kém”.
Nói đến đây cô Thanh Hồng chậm nước mắt kể: “Dù sao tôi cũng may mắn hơn nhiều người, ở đây nuôi chồng bệnh hơn 1 năm rồi, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh khổ. Mới mấy tháng trước, ở phòng kế bên có đôi vợ chồng trẻ mới cưới hơn 1 năm, có đứa con trai 5 tháng, bỗng nhiên chồng mắc bệnh phải vào đây chữa trị. Ở quê lên TPHCM, không ai thân thích, không biết làm sao, cô vợ phải ẵm luôn đứa con nhỏ vào BV, vừa chăm chồng, vừa chăm con. Tối, hai mẹ con phải chui xuống gầm giường ngủ. Đứa nhỏ chật chội không chịu được nóng bức ngột ngạt, cứ khóc suốt đêm. Cô vợ dỗ dành mãi không được, cũng khóc theo, rồi anh chồng thấy thế cũng khóc, cả gia đình họ ôm nhau khóc suốt đêm. Bệnh nhân và y tá thấy cảnh đó đều không cầm được nước mắt. Được vài tháng thì anh chồng mất, giờ không biết hai mẹ con như thế nào rồi”.
Đau đớn vì bệnh tật và phải chịu đựng cảnh khốn khổ vì BV quá tải, nhưng các bệnh nhân BV Ung bướu TPHCM rất cảm kích khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của các bác sĩ, y tá. Nhưng điều đó cũng chẳng thấm vào đâu, Cô Thanh Hồng tha thiết: “Chi phí chữa bệnh thì bảo hiểm trả cho 80% rồi, nên mình chỉ lo chi phí sinh hoạt là chủ yếu. Các bệnh nhân ở đây rất mong có được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ từ cộng đồng, để có thêm động lực sống và trị bệnh”.
Một chị điều dưỡng Khoa Nội 2 tâm sự: “Thấy bệnh nhân nằm ngoài trời như vậy, cũng xót lắm! Có nhiều trường hợp bệnh nhân ngoại trú bị nhiễm lạnh, phát bệnh thêm. Nhưng BV bị quá tải, chị em tôi cũng không biết làm sao giúp được, bệnh nhân nội trú còn không có chỗ để nằm”.