ĐB Lê Đào An Xuân (Phú Yên) chất vấn về tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn là vấn đề nhức nhối. ĐB cho rằng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đúng với giới thiệu quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối, nhất là qua các kênh bán hàng online. Nhiều vụ việc được chính cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay nhưng không có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước.
Đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, sáng 7-11. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận tình trạng này vẫn đang nhức nhối. Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số. Doanh thu mỗi năm của thị trường này đạt 16-19 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 20-25% mỗi năm, là mức cao trong khu vực, thế giới. Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực như các ĐB đã nêu. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn, như vụ kiểm tra tại Trung tâm Sài Gòn Square, phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam; kiểm tra xử lý 4 kho hàng chứa nhiều hàng giả mạo tại Thanh Hóa...
Từ đầu năm tới nay, quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 500 vụ, xử lý gần 500 vụ và phạt tiền lên tới 7,8 tỷ đồng. Hành vi xâm phạm chủ yếu là bán hàng không có nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn hiệu lớn được bảo hộ tại Việt Nam, hay dùng website bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan quản lý.
Vừa qua, Bộ Công thương đã có những giải pháp như: bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu…
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung rà soát các quy định của pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch trên mạng. Cùng với đó, tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng; chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử xóa bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn về trách nhiệm của Bộ Công thương trong quản lý các loại hương liệu thuốc lá điện tử.
ĐB Châu Quỳnh Dao cho biết, hiện nay trên thị trường có khoảng 20.000 loại hương liệu để sản xuất thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều loại hương liệu chưa được đánh giá toàn diện về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe. Những hương liệu này được bày bán công khai như các loại thuốc lá thông thường tại các cửa hàng tạp hóa… các em học sinh rất dễ mua, sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành văn bản thí điểm chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có hương liệu. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương làm việc với Bộ Y tế về chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới, hiện vẫn đang trong quá trình rà soát, thống nhất quan điểm hoàn thiện chính sách. Theo đó, Bộ Công thương dự kiến đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá để có hướng quản lý phù hợp. Bộ dự kiến trình Chính phủ trong quý 4-2023.
Kêu gọi xã hội hóa để xử lý rác thải vẫn rất khó khăn
Chất vấn Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh, ĐB Bguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho biết, hiện tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao. Tỷ lệ này ở đô thị đạt 96%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%; nông thôn đạt 71%. Tuy nhiên, qua giám sát và thực tế cử tri phản ánh, con số này chưa chính xác vì quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt và thiếu các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) chất vấn Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh, sáng 7-11. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, năm 2022, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh toàn quốc khoảng 67.000 tấn/ngày; trong đó rác đô thị khoảng 36.800 tấn. Vừa qua, các địa phương đã quan tâm thu gom, xử lý rác thải; nhiều nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được xây dựng. Hiện, cả nước có khoảng 1.200 cơ sở xử lý; hơn 460 lò đốt và 38 dây chuyền compost (phân hữu cơ cho cây trồng) và hơn 1.000 bãi chôn lấp.
Còn số liệu như đại biểu nói 96% rác thải đô thị và 71% rác thải nông thôn được xử lý là con số xử lý bằng hình thức chôn lấp.
Bộ trưởng cho biết, việc kêu gọi xã hội hóa để xử lý rác thải vẫn rất khó khăn, từ việc xây dựng các nhà máy đốt phát điện, phân loại rác tại nguồn chưa triệt để; địa phương không đủ lượng rác để xây nhà máy. Ở một số địa phương, ngay đô thị trung tâm cũng chỉ có 200-300 tấn rác một ngày nên rất khó khăn khi xây dựng nhà máy xử lý tập trung. Các nhà máy cần lượng rác lớn để đảm bảo công suất ổn định.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC |
Bộ TN-MT đã ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tiêu chuẩn bảo vệ môi trường với phương tiện vận chuyển; tiêu chí về công nghệ xử lý; giá dịch vụ thu gom, xử lý; hình thức thu giá theo khối lượng hoặc thể tích; phương pháp định giá cho các nhà cung cấp dịch vụ; hướng dẫn các địa phương phân loại rác tại nguồn.
Bộ đề nghị các địa phương vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn, từ đó xử lý rác thải triệt để. Phấn đấu năm 2024, Bộ ban hành quy chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển xử lý rác thải và quy chuẩn về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.