Chiều 27-2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp nghe đơn vị tư vấn báo cáo về phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, với dự tham dự của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, UBND TPHCM.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chính phủ, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến việc cải tạo, mở rộng, nâng cấp CHKQT Tân Sơn Nhất nhằm giải quyết tình trạng quá tải hiện nay. Có nhiều phương án được đưa ra nhưng mỗi phương án đều có những ý kiến tranh luận trái chiều, trong đó có những ý kiến băn khoăn về lợi ích nhóm. Do đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam thuê đơn vị tư vấn nước ngoài là ADPi Engineering (Pháp) để rà soát quy hoạch CHKQT Tân Sơn Nhất với mong muốn có một nghiên cứu hoàn toàn độc lập, khách quan, không liên quan đến bất cứ đơn vị, tổ chức nào tại Việt Nam.
Tại cuộc họp, đại diện tư vấn ADPi đã đưa ra dự báo lưu lượng vận chuyển của CHKQT Tân Sơn Nhất vào năm 2025 là 51 triệu lượt hành khách/năm, 301 triệu lượt cất hạ cánh/năm và 960 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trên cơ sở dự báo, ADPi cho rằng CHKQT Tân Sơn Nhất hiện đang có nhiều hạn chế, trong đó 2 đường cất, hạ cánh quá gần nhau để 2 máy bay có thể đồng thời cất, hạ cánh theo tiêu chuẩn, hệ thống đường lăn chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, công cụ quản lý cất, hạ cánh còn hạn chế, hệ thống đường lăn bị nút thắt cổ chai, vị trí sân đỗ nhà ga quốc tế chủ yếu cho máy bay lớn, trong khi thực tế khai thác chủ yếu là máy bay vừa, 2 nhà ga hiện tại chỉ đáp ứng tối đa 25 triệu hành khách... Đặc biệt, dù sử dụng chung đường giao thông công cộng với các phương tiện dành cho cảng hàng không nhưng chỉ có lối tiếp cận duy nhất vào khu vực ga. Việc tiếp cận vào cảng chỉ bằng đường bộ cũng là những hạn chế lớn của CHKQT Tân Sơn Nhất.
ADPi đã kiến nghị quy mô CHKQT Tân Sơn Nhất sau cải tạo đến 2025 là 50 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, việc xây dựng thêm một đường cất, hạ cánh mới để nâng công suất lên trên 50 triệu hành khách/năm là không khả thi do mất thời gian, chi phí và các ảnh hưởng về môi trường. Do đó, với mục tiêu 50 triệu hành khách/năm, đơn vị tư vấn khuyến nghị công việc cải tạo CHKQT Tân Sơn Nhất phải tập trung vào việc cải thiện hệ thống đường cất, hạ cánh và bổ sung thêm đường lăn, cải thiện phương thức khai thác bầu trời, tổ chức lại sân đỗ, mở rộng khu vực nhà ga bao gồm: vị trí đỗ máy bay và nhà ga hành khách, phát triển thêm giao thông tiếp cận. Trong các phương án phát triển nhà ga hành khách, ADPi đã chọn phương án phát triển về phía Nam do có nhiều ưu điểm hơn phương án phát triển về phía Bắc như: giảm diện tích đất bị thu hồi khi nhiều khu vực đất đã sẵn sàng bàn giao; khoảng cách giữa các nhà ga gần hơn, đơn giản trong vận hành, tối ưu hóa đất sử dụng, giảm thời gian thi công. Riêng phát triển dịch vụ hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ sẽ thực hiện ở phía Bắc với diện tích thu hồi đất không quá lớn.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng khẳng định sẵn sàng giao đất phục vụ phát triển hàng không dân dụng khi có yêu cầu. Tuy nhiên, việc lấy đất quốc phòng cần phải hết sức thận trọng, đảm bảo cho các đơn vị quốc phòng có nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp CHKQT Tân Sơn Nhất, bảo vệ vùng trời TPHCM và khu vực lân cận. Một số ý kiến cũng đề nghị ADPi tính toán lại đầy đủ các chi phí đền bù cho các phương án.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đảm bảo mọi thông tin phải được minh bạch trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng cũng đề nghị tư vấn làm rõ phương án tối ưu nhất cho CHKQT Tân Sơn Nhất nằm trong mạng lưới tổng thể các CHK trong khu vực. Bộ trưởng cũng cho rằng, các sân bay lân cận phải giảm tải cho CHKQT Tân Sơn Nhất. Ví dụ, sân bay Cần Thơ công suất 5 triệu khách, nhưng khai thác mới được 500.000 khách. Để khai thác hết công suất, các tỉnh ĐBSCL phải tăng cường sử dụng sân bay Cần Thơ thay vì đổ về CHKQT Tân Sơn Nhất.