Có cô ôm nó hôn từ đầu xuống chân, hôn kêu chùn chụt mới đã thèm khiến đôi gò má đứa bé đỏ lên. Nhưng thật kỳ lạ, đứa bé có lẽ được thương hơi bị nhiều, nên có lúc chịu đứng yên để cho người vuốt ve hôn hít, có lúc lại quay mặt né tránh đưa cánh tay bé xíu đẩy ra.
Thường khi tôi không để ý lắm, bất chợt một buổi sáng tôi nghe tiếng cô gái nói lớn: “Tao không thèm thương mày nữa”. Đến đây ngưng lại được rồi, không ngờ cô tiếp tục: “Bữa nay coi như tao xui không được hên”. Đứa bé cho hôn hay không là quyền của nó, dính dáng gì tới chuyện xui, hên. Tôi không hiểu, ngẫm nghĩ một lát chợt nhận ra. Con người có nhiều nhu cầu, nhất là phương diện tình cảm đa dạng thương yêu, giúp đỡ kẻ khác.
Hóa ra bấy lâu người ta đến với đứa bé vì chính nhu cầu của mình, chẳng ai chú ý đến nhu cầu của đứa bé là gì. Sau này nó lớn lên, thử hỏi mấy ai nhớ đến nó… Bất chợt tôi liên tưởng đến xã hội, có lẽ tôi liên tưởng xa nhưng mà không xa. Vậy đó, khi nói về tình thương, ai cũng hiểu nhưng khi nói cho cặn kẽ, cuộc sống có tình thương thì không dễ dàng.
2. Ai sinh ra cũng có sẵn lòng nhân ái, tình thương. Tuy là ta hiểu vậy, nhưng rồi ta vẫn phải tập. Chẳng hạn như mỗi buổi sáng ra quán nhâm nhi ly cà phê, vừa ngồi xuống ghế đã thấy hàng chục người bán vé số xung quanh. Một cái lắc đầu chưa đủ, phải lặp lại hai ba cái; gặp cả chục người, tính ra buổi sáng phải lắc mãi tới hai, ba chục cái… mỏi cả cổ. Đành chịu và ngồi ngẫm nghĩ về chữ nhẫn.
Bởi vì đem so những cái lắc đầu với những lần gật đầu trong một ngày mới thấy. Có phải ở nhà luôn gật đầu trước vợ con, ít khi phản đối; vào cơ quan gặp thủ trưởng, đồng nghiệp, dù không bằng lòng lắm cũng luôn gật đầu? Tính ra cái đầu người ta cứ gục gặc mãi, có phải vẫn là nhiều hơn những cái lắc đầu trước những người nghèo khổ, những đứa bé bán vé số.
3. Buổi sáng ngồi quán, hết gặp người bán vé số, đến gặp những kẻ bần cùng ăn xin. Thời nào cũng có người đi ăn xin. Thế nhưng, ngày xưa xã hội vật chất không giàu có như ngày nay mà sao người đi xin lại có vẻ như ít hơn. Thường thì thiên hạ nhìn thấy họ là tự động xúc gạo hay đem ít tiền lẻ mang ra cổng cho. Hình ảnh của họ nhớ lại đôi khi vẫn còn nghe xúc động như là kỷ niệm.
Chắc là những người lớn tuổi còn nhớ cảnh những ông già mù tay chống gậy dò đường, tay kia xách cây đàn bầu. Ông đến một gốc cây có bóng mát, ngồi xuống đánh lên tiếng đàn tính tính tình tang, rồi cất giọng nói thơ Lục Vân Tiên: Kim Liên ơi hỡi Kim Liên, đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê.
Buổi trưa hè trời đứng gió nóng mê, tiếng đàn bầu, điệu nói thơ Vân Tiên như làn gió mát lùa qua. Thử đặt câu hỏi, chẳng lẽ xã hội vật chất dồi dào tiến bộ hơn trước, số lượng người khốn khổ theo đó lại tăng lên? Và điều làm cho mọi người như không thể chịu đựng nổi là, người đi xin ngày nay dùng đến đủ mọi hình thức, mọi biện pháp để lôi cuốn sự chú ý của mọi người, kể cả chuyện nằm dài ra giữa chợ, bất kể dơ dáy tanh hôi, kêu gào thảm thiết…
Ngày trước đâu có cảnh người mẹ bồng đứa nhỏ mới sinh vài tháng đi giữa trời trưa nắng chang chang, đứa nhỏ ngủ thiêm thiếp trên tay (mà có khi là bà mẹ kia đã cho nó uống thuốc ngủ). Ngao ngán nhất là xã hội ngày nay bước vào hiện đại hóa, không ít người mù đi xin cũng khác trước, cũng “lên đời”, trang bị cho mình một cái loa có ampli gắn vô cây đàn.
Những hình ảnh vừa nói đó, phải chăng đều từ tâm của người đi ra. Có phải xã hội ngày nay của cải nhiều hơn trước, nhưng một số người thay vì bụng dạ rộng rãi hơn lại trở nên chật hẹp, nghi ngờ mọi thứ, không biết là giả hay thiệt. Đành rằng nhìn từ góc độ sự kiện thì quả thật có những hành vi có thể xem là xấu xa, giả dối, nhưng cái giả đó là mặt trái của thật. Cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh đi xin ăn như người ta mà xem, đâu có dễ! Cho nên, những gì mình nhìn thấy kia, phải chăng đều là những hình chiếu, phản ánh của tâm thức con người ra bên ngoài?
Tất cả tôn giáo chính thống đều dạy phải làm việc thiện, tu phước. Đạo Phật còn chỉ dạy cặn kẽ, làm việc thiện không phải vì sợ bị đọa xuống địa ngục hoặc mong ngày sau được ân thưởng, mà lẽ nhân quả phải được nhận biết ngay trong kiếp này. Từ nguyên nhân này dẫn đến sự việc kia… cuối cùng đưa tới nghèo đói và sinh ra mọi thứ tội ác, loanh quanh mãi trong vòng tròn vô minh.
Vì thế, giúp đỡ người khác chẳng qua là giúp chính mình, giúp con cháu mình tránh được bao tệ nạn rình rập. Chẳng một ai có thể ngồi yên mong chờ sự tốt đẹp, xã hội luôn cần đến mỗi người góp sức làm những việc tối thiểu nhất có thể làm để góp phần làm giảm bớt nỗi đau xung quanh. Con người hiểu ra điều này, nhưng rất nhiều người lại như chưa hiểu.
Họ luôn than vãn: “Tôi chưa có đủ, tôi có quá ít…”. Vật chất càng phát triển, người ta càng thấy thiếu thốn chưa đủ… Mà cuộc sống biết thế nào mới là đầy đủ? Điều này như một nghịch lý của đời sống hiện nay.