Lần lượt hai năm một lần, đến nay trải qua 6 mùa giải, cuộc thi thơ haiku đã thu hút khá đông người làm thơ, trong đó có nhiều nhà thơ chuyên nghiệp, trở thành nhịp cầu văn hóa độc đáo giữa hai dân tộc ở phương Đông.
PGS-TS Đoàn Lê Giang là chuyên gia về văn học Nhật Bản, gắn bó với cuộc thi thơ haiku Việt - Nhật 10 năm qua trên cương vị tổ chức lẫn giám khảo, cho biết: “Thơ haiku đã đi vào cuộc sống người Việt. Nó được giảng ở trường phổ thông, ở các khoa Nhật Bản học và nhất là các khoa Văn của đại học; nó được sáng tác tại các CLB ở Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành khác. Thơ haiku cũng xuất hiện trên báo và được xuất bản thành từng tập. Thơ haiku ở Việt Nam là cầu nối để hiểu văn hóa Nhật Bản, nhưng không chỉ có thế, thơ haiku được chấp nhận vì nó còn bổ sung cho người Việt Nam một phương tiện để thể hiện tâm hồn mình, sự suy tư và cách nhìn riêng về thế giới”.
Giống như thơ lục bát của Việt Nam, haiku là thể thơ truyền thống của Nhật Bản. Tuy nhiên, khác với sự chặt chẽ về niêm luật, vần điệu của lục bát, haiku là thể thơ ngắn chỉ có tối đa 17 âm tiết (5-7-5), tự do không phụ thuộc vào vần điệu nên dễ làm, dễ phổ biến và đã lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới. Đọc thơ haiku Việt, chúng ta thấy hiện lên trong đó tâm hồn, tính cách, đời sống thiên nhiên và văn hóa Việt và thơ chỉ còn là phương tiện chuyển tải. Chẳng hạn bài haiku của tác giả Nguyễn Hoàng Anh: Đêm Gò Dưa/Ếch nhái yêu đương/Côn trùng chơi nhạc Trịnh… Đây là bài haiku đoạt giải khuyến khích trong số 704 bài dự thi lần thứ 6 vừa qua. Gò Dưa là nghĩa trang có mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ở đó không chỉ là nơi yên nghỉ của người đã khuất mà đêm đêm còn cất lên những bản nhạc thiên nhiên của sự sống nhỏ bé đang sinh sôi nảy nở.
Và đây là bài haiku đoạt giải nhì của nhà thơ quen thuộc Xuân Trường gốc Quảng, thể hiện cảnh sắc thiên nhiên và tình cảm người Việt đau đáu nỗi tha hương: Mây bay đỉnh núi/Bìm bịp gom chiều/Tiếng mẹ quê xa. Một bức tranh quê quen thuộc đẹp đến nao lòng!
Khác với Xuân Trường, tác giả trẻ Nguyễn Huy Hoàng có góc nhìn và phát hiện khác lạ về đời sống phố thị Sài Gòn hiện đại, với bài haiku cùng đoạt giải nhì: Đường xe kẹt cứng/Vương trên tay lái/Một bông điệp vàng. Giữa không gian tưởng chừng ngộp thở ấy vẫn hiện diện cái đẹp lặng lẽ của bông điệp vàng. Cái hay của haiku chính là những khoảnh khắc tinh tế và sự liên tưởng, phát hiện bất ngờ. Như bài thơ cùng đoạt giải nhì của tác giả Đoàn Văn Tiềm ở Phú Thọ, khi nhìn vầng trăng đang soi mình trên dòng sông: Chảy giữa hai vầng trăng/Một dòng sông/Dát bạc.
Tác giả đoạt giải nhất cuộc thi haiku lần thứ 6 là nhà thơ Hà Thiên Sơn, đồng thời cũng là tiến sĩ triết học đang giảng dạy tại TPHCM, với chùm 3 bài: Làng chài/Người không về/Lưới cá phơi sương; bài 2: Bão đến/Thuyền gối bãi/Con mắt không khép; bài 3: Chuông gió/Em đến thăm/Suốt đêm không ngủ. Nhận xét về chùm thơ Hà Thiên Sơn, Trưởng ban giám khảo Đoàn Lê Giang cho rằng: “Những hình ảnh trong thơ anh có sức ám ảnh mạnh mẽ: con mắt thuyền thao thức trong cơn bão, lưới cá phơi sương chờ người đánh cá trở về, tiếng chuông gió reo trong đêm tình yêu. Hình ảnh chắt lọc, ngôn từ đẹp đẽ, thi pháp haiku được tuân thủ chặt chẽ, mà tình và cảnh rất Việt Nam. Thơ haiku của Hà Thiên Sơn là bằng chứng rõ ràng nhất về khả năng Việt hóa một thể thơ đến từ Nhật Bản”.
Cuộc thi Sáng tác thơ haiku Việt - Nhật lần thứ 6 vừa công bố kết quả và trao giải cuối tháng 12-2017. Giải nhất được trao cho tác giả Hà Thiên Sơn; 3 giải nhì: Nguyễn Huy Hoàng, Đoàn Văn Tiềm, Xuân Trường; 8 giải khuyến khích. Cuộc thi haiku lần thứ 7 sẽ diễn ra vào năm 2019.