Tinh thần “tri túc” của học giả Nguyễn Hiến Lê

Trong hồi ký, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) đã nhận định về nhân sinh quan của mình, một trong số đó là: “Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý, hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thế nào cũng sẽ mang họa vào thân”.

Không ham làm giàu

Cuộc đời Nguyễn Hiến Lê là tấm gương sáng về sự nỗ lực học tập. Mồ côi cha từ lúc 8 tuổi, thấu được sự nhọc nhằn của mẹ mà cố học xong Cao đẳng Công chánh, rồi một mình vào Nam kỳ làm công việc đo đạc thủy lợi. Sau khi Pháp tái chiếm Nam bộ, ông tản cư về Đồng Tháp Mười, sau đó sang Long Xuyên. Tại đây, trong lúc tránh chiến sự, ông nhận lời đi dạy học của người bạn là Đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ. Lúc đầu chỉ làm gia sư nhưng sau đó nể lời bạn, ông đến dạy ở Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu. Đến năm 1953, ông kiên quyết rời nhiệm sở, dù việc dạy học lúc đó đem lại cho ông đời sống khá sung túc, có uy tín và địa vị xã hội lại có thì giờ để tự học tập, nghiên cứu.

img434-4357.jpg

Từ đây, ông bắt đầu viết sách. Ban đầu ông gửi một số người quen xuất bản, từ năm 1954 ông tự lập nhà xuất bản mang tên ông, đặt tại nhà riêng. Năm 1960, ông đã có khoảng 50 đầu sách, nhưng ông chỉ cho in 3-4 cuốn. Dù việc xuất bản sách đem lại cho ông nhiều lợi nhuận nhưng mỗi năm ông cũng chỉ in vài cuốn, còn lại giao cho các nhà khác, như Cảo Thơm, Thanh Tân, Khai Trí, Tao Đàn, Ca Dao, Trí Đăng… in. Thời gian còn lại ông tập trung viết lách.

Với ông, việc cho ra đời những tác phẩm có ích cho người đọc ý nghĩa hơn nhiều so với việc mang lại lợi lộc lớn cho bản thân. Ông cũng bỏ qua những cơ hội làm giàu khác. Những năm 1960, nhờ đã có danh tiếng, uy tín, nhiều người quen mời ông hợp tác mở trường tư thục, mở nhà xuất bản chuyên xuất bản sách giáo khoa tiểu học và trung học, nhưng ông đều từ chối. “Tôi tri túc theo đạo Nho, cuộc sống như vầy là đủ quá rồi, không cần hơn” - ông tâm sự với người bạn là Trần Thúc Linh, một trí thức tiến bộ, được ghi lại trong hồi ký.

Không ham danh vọng

Trong cuốn “Tương lai trong tay ta”, ông viết: “Đời tôi chỉ muốn làm thư sinh, không muốn làm nhà kinh doanh hay chính khách”. Trong những bức thư gửi cho người bạn chí thân là nhà thơ Quách Tấn (1910-1992), Nguyễn Hiến Lê nhiều lần nhắc đến trách nhiệm của người cầm bút là góp phần đem lại hòa bình, tiến bộ cho đất nước, cho dân tộc, mang lại dân trí, hiểu biết, vốn sống cho người dân, nhất là giới trẻ. Viết là để góp sức mình cho nhân dân với những mục tiêu dân sinh, dân chủ, hòa bình. Hễ đất nước có loạn li, dân tình còn khốn khó, ông lại tự thôi thúc bản thân không được ngừng viết.

Tuy nhiên, như chính ông đã thổ lộ: “Soạn sách, tôi chỉ nhắm mục đích tự học và giúp người khác tự học. Tôi nghĩ đến cái lợi của độc giả trước hết, chẳng hề tự cho mình có “sứ mạng” gì cả, mà cũng không hề mong được nổi tiếng”. Còn trong Lời mở đầu của tác phẩm Đời viết văn của tôi, ông viết: “Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi VIẾT để HỌC và HỌC để VIẾT”.

Để tập trung cho việc viết lách, Nguyễn Hiến Lê đã kiên quyết gạt bỏ những việc làm ông cho là vô bổ, mất thời gian, ảnh hưởng tới nghiệp viết của mình. Một lần, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu mời Nguyễn Hiến Lê tham gia Hội đồng Giáo dục toàn quốc, ông đã thoái thác. Hay có lần Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn mời ông ra dạy nhưng ông từ chối. Ông cũng nhiều lần từ chối các lời đề nghị dạy học từ các trường đại học khác, hay đến dự các hội nghị, họp hành mang tính xã giao hơn là bàn việc thiết thực. Nhiều người nói ông làm cao, kiêu ngạo, nhưng những người hiểu ông đều hết sức ủng hộ và thông cảm với thái độ này của ông.

Cũng nói về danh, dù là người rất chân thành, trung thực và có trách nhiệm với bạn bè, độc giả, người hâm mộ, nhưng với một số người có bất đồng lớn về chính kiến, Nguyễn Hiến Lê kiên quyết không giao du. Ông viết trong Hồi ký: “Chỉ có hai học giả Hồ Hữu Tường và Hà Việt Phương (tức Nguyễn Đức Quỳnh trong nhóm Hàn Thuyên trước kia), là có bạn rất muốn cho tôi gặp mà mấy lần tôi đều từ chối. Tính tình, chủ trương của họ đều khác tôi xa, biết nói chuyện gì với nhau?”.

Sau ngày giải phóng miền Nam, dù vợ con đang sống ở Pháp và Nguyễn Hiến Lê có điều kiện để sang đó định cư, song ông vẫn ở lại. Một số văn nghệ sĩ miền Bắc và nhà văn tham gia kháng chiến ở trong Nam đã tìm đến thăm ông, hỏi han sức khỏe và tình hình công việc. Đó là các nhà văn, nghệ sĩ, trí thức như Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Văn Bổng, Hoàng Phê, Thạch Phương... Trong số này, học giả Đào Duy Anh (1904-1988), cây đại thụ nghiên cứu về khoa học xã hội, đến thăm ông nhiều lần, với thái độ rất trọng thị.

Có lần, khi thấy sức khỏe của Nguyễn Hiến Lê mỗi ngày mỗi suy, một nhân viên ở Ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM đề nghị giới thiệu ông vào điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất, nhưng ông đã nhất mực từ chối. Ông nói: “Tôi có công gì với cách mạng đâu mà vô đó nằm? Hưởng một ân huệ mình không đáng hưởng, tôi cho không phải là phúc”.

Trước năm 1975, ông từng từ chối Giải thưởng Văn chương chính quyền trao cho ông và Giản Chi cho bộ Đại cương triết học Trung Quốc (năm 1966). Năm 1973, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa chế độ Sài Gòn muốn trao tặng ông Giải Tuyên dương Sự nghiệp Văn chương - Học thuật - Mỹ thuật, ông cũng công khai từ chối. Giải thưởng này có trị giá 1 triệu đồng (tương đương 25 lượng vàng).

Chính tư tưởng, cách sống không màng danh lợi đã làm nên cốt cách của một Nguyễn Hiến Lê có uy tín, được hầu hết trí thức, độc giả và cả chính quyền đương thời lẫn sau này kính trọng. Tư cách của kẻ sĩ chân chính đó thật hiếm có.

Tin cùng chuyên mục