Thực ra, đây không phải là nơi đầu tiên diễn ra lễ hội như vậy. Austin, thủ phủ của bang Texas cũng từng có. Tuy nhiên, theo tờ Christian Science Monitor, bà Kate Goodall, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Halcyon, tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng đã đến lúc Washington D.C. cũng cần có lễ hội như vậy để mở cửa cho tất cả công chúng theo tinh thần sáng lập của nước Mỹ là phục vụ người dân”.
Lễ hội có địa điểm chính tại Tòa nhà Nghệ thuật và Công nghiệp của Viện Smithsonian cùng với các hoạt động diễn ra trong toàn thành phố. Các địa điểm bao gồm: Nhà thờ quốc gia Washington, chợ Union, THEARC West và Công viên Walter Reed đều có nhiều hoạt động. Tổ chức phi lợi nhuận Halcyon hợp tác với hàng chục tổ chức nghệ thuật ở Washington, các doanh nghiệp địa phương và các cơ quan chính phủ để tổ chức các sự kiện, bao gồm từ nghệ thuật thị giác, nghệ thuật thực tế ảo và các buổi biểu diễn âm nhạc. Hầu hết các sự kiện được miễn phí vé vào cửa.
Lễ hội nhằm đoàn kết mọi người xung quanh các chủ đề của cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc, đồng thời kết chặt tinh thần đoàn kết giữa các sắc tộc và quan điểm văn hóa khác nhau. Theo bà Goodall, có thể lễ hội này là cách tốt nhất để đưa mọi người vốn có nhiều khác biệt, cùng đến với nghệ thuật và đối thoại. Ngoài các màn trình diễn nghệ thuật và biểu diễn đa dạng, lễ hội còn bao gồm các cuộc thảo luận với các chuyên gia đại diện cho quan điểm đối lập về các vấn đề nghệ thuật. Bằng cách kết hợp những cuộc đối thoại sâu rộng với các buổi biểu diễn nghệ thuật, lễ hội mời gọi du khách cởi mở tâm trí và giao lưu với nhau ở cấp độ sâu hơn. Các nhà tổ chức hy vọng, với sự tham gia như vậy sẽ nhắc nhở du khách về những điểm chung. Trong phần hội thảo, tranh luận về nghệ thuật có sự tham gia của cả doanh nhân và nhà tư tưởng, các nhà hoạt động xã hội như Yousef Bashir, nhà khoa học vũ trụ Avi Mandell và Tiến sĩ Robert Waldinger...
Đó cũng là lý do vì sao các nhà tổ chức mang lễ hội đến khắp nơi trong thành phố để thúc đẩy sự tham gia của nhiều tầng lớp người dân. Có hơn 100 sự kiện như lễ hội ánh sáng do nghệ sĩ Jenny Sabin thiết kế với chủ đề “Cuộc sống”, hay khu rừng đầy màu sắc bong bóng được làm từ bọc nhựa của Dan Steinhilber, để truyền cảm hứng cho cuộc thảo luận xung quanh chủ đề “Tự do” và “Reciprocity Respite & Repass” của Maya Freelon, một tác phẩm điêu khắc nhẹ nhàng được làm từ giấy lụa màu đề cập đến chủ đề “Hạnh phúc”.
Theo các nhà tổ chức, trong bối cảnh chính trị nước Mỹ có nhiều chia rẽ như hiện nay, thật sự cần thiết mở rộng đối thoại để tìm điểm chung, giảm khác biệt. Bà Goodall tin rằng: “Bất kể định kiến chính trị, vị trí địa lý, tuổi tác, chủng tộc hay giới tính của ai đó, chúng tôi đồng ý rằng, nguyên tắc sáng tạo của cuộc sống, sự tự do và mưu cầu hạnh phúc là điều quan trọng, không chỉ đối với nền tảng của nước Mỹ mà còn cho tương lai của đất nước”.