Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình:

Tinh thần “Cánh diều ngược gió” và giải pháp ứng phó giữ vững “Hòa Bình” trong đại dịch Covid-19

Chủ tịch HĐQT, TGĐ Lê Viết Hải thay mặt Ban Lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gửi đến toàn thể các thành viên Hòa Bình với những giải pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có này.

“Những diễn biến gần đây của nền kinh tế trên toàn thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra đang xấu đi rất nhanh chóng và sẽ tiếp tục có những hậu quả thật khó lường. Song song với các giải pháp mang tính chiến lược cho hàng thập kỷ, Ban Lãnh đạo của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chuẩn bị những biện pháp vừa phù hợp với việc phát triển lâu dài, vừa đáp ứng cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng trước mắt để duy trì bộ máy quản lý sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn hiện nay; đồng thời, giúp tập đoàn nhanh chóng khôi phục sau cuộc khủng hoảng với ba nhóm giải pháp lớn tái cấu trúc nhằm giữ vững Hòa Bình”. 

Đó là thông điệp của Chủ tịch HĐQT, TGĐ Lê Viết Hải thay mặt Ban Lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gửi đến toàn thể các thành viên Hòa Bình với những giải pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có này.

Tinh thần “Cánh diều ngược gió” và giải pháp ứng phó giữ vững “Hòa Bình” trong đại dịch Covid-19 ảnh 1 Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải

“Cánh diều ngược gió”

Bão dịch Covid-19 đã quét trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế. Không là ngoại lệ đối với nhóm ngành nghề xây dựng, BĐS nói chung và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình Group) nói riêng. Tuy nhiên, tính toán ngay những bước đi để có thể khôi phục nhanh chóng và mạnh mẽ sau khủng hoảng là chiến lược đã được Ban Lãnh đạo Hòa Bình hoạch định và triển khai nhanh chóng.

Trong đó, nhiều nội dung tái cấu trúc trong Chương trình DPI (Double Profit & Internationalization - Quốc tế hóa và Nhân đôi Lợi nhuận) đã được thực thi, phần còn lại đã được hoàn thành giai đoạn lập kế hoạch.

Các công tác chuẩn bị đang được triển khai khẩn trương để ngay trong tháng 4-2020 mô hình mới trong quản lý sản xuất kinh doanh sẽ được đưa vào áp dụng với kỳ vọng là khắc phục được những tồn tại, yếu kém đã được nhận dạng và góp phần quan trọng đưa Hòa Bình Group trở thành một trong những thương hiệu xây dựng uy tín có trình độ ở mức xuất sắc không chỉ ở phạm vi trong nước.

Song song với các giải pháp mang tính chiến lược cho hàng thập kỷ, lãnh đạo của tập đoàn đã chuẩn bị những biện pháp vừa phù hợp với việc phát triển lâu dài, vừa đáp ứng cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng để duy trì bộ máy quản lý sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn hiện có; đồng thời, giúp tập đoàn có thể khôi phục nhanh chóng và mạnh mẽ sau khủng hoảng.

Với tinh thần và văn hóa của một tập đoàn xây dựng danh tiếng, Chủ tịch của Hòa Bình Group nêu cao tinh thần “cánh diều ngược gió” - gió càng mạnh, cánh diều càng bay cao, biến trở lực thành động lực, biến thử thách thành cơ hội - trong thông điệp gửi toàn thể CBNV. Đồng thời, ông cũng đưa ra loạt những giải pháp tái cấu trúc nhằm biến nguy thành cơ, giữ vững, phát triển Hòa Bình vượt qua ảnh hưởng của bão dịch Covid-19.

Ba nhóm giải pháp lớn ứng phó, giữ vững Hòa Bình

Theo đó, Hòa Bình Group tập trung cho 3 giải pháp nhóm giải pháp lớn trong triển khai tái cấu trúc bao gồm: Tái cấu trúc hệ thống quản lý; Tái cấu trúc nguồn nhân lực; Tái cấu trúc năng lực tài chính. Trong đó, việc tái cấu trúc hệ thống quản lý nhằm cho phép phần lớn nhân viên có thể làm việc online, công việc không bị gián đoạn bởi vị trí địa lý.

Đáng ngạc nhiên ở chỗ, Hòa Bình Group gần như đã triển khai ngay giải pháp phối hợp tác nghiệp online trên nền tảng hệ thống quản lý công việc sẵn có để phần lớn các thành viên có thể làm việc tại nhà khi rủi ro dịch bệnh lan tràn đến mức phải làm việc cách ly trước hết cho khối văn phòng và kế tiếp triển khai cho khối công trường.

Cách làm việc mới này sẽ tiếp tục duy trì lâu dài như là một trong những biện pháp nâng cao trình độ quản lý, năng suất lao động, tăng cường tính kỷ luật và hiệu quả tương tác giữa các cá nhân, đơn vị trên diện rộng.

Nhóm giải pháp lớn thứ 2, Hòa Bình Group tái cấu trúc về nguồn nhân lực theo phương châm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thêm việc làm hữu ích cho toàn thể thành viên Tập đoàn trong thời kỳ khủng hoảng, hướng đến mục tiêu không có một nhân tố tích cực nào phải bị cho nghỉ việc vì không bố trí được việc làm.

Theo đó, tận dụng thời gian này, đẩy mạnh công tác đào tạo củng cố, đào tạo nâng cao trên nền tảng hệ thống E-learning với nội dung đào tạo được thiết kế cho từng cá nhân phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh và định hướng mở rộng thị trường nước ngoài.

Nguồn nhân lực nội bộ sau khi được đào tạo sẽ được lựa chọn để làm việc bán thời gian hoặc toàn thời gian cho các Công ty thành viên, Công ty mua bán sáp nhập, các đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn. Bên cạnh đó, Hòa Bình Group chú trọng nâng cao tính chủ động trong việc tiếp cận với khách hàng tiềm năng tại tất cả các cấp quản lý.

Trong thời gian qua, mặc dù nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản bị giảm sút nhiều nhưng chính nhờ yếu tố tích cực và chủ động của toàn hệ thống trong tìm kiếm công việc, mở rộng thị trường Hòa Bình Group đã tham gia dự thầu nhiều dự án bao gồm cả công nghiệp, hạ tầng và nước ngoài với tổng giá trị dự thầu lên đến trên 26.000 tỷ đồng.

Với những nỗ lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện cùng uy tín của Hòa Bình Group, nhà thầu lớn nhất tại Việt Nam, đơn vị này tự tin giá trị trúng thầu sẽ vượt trên 50% giá trị dự thầu tức trên 13.000 tỷ đồng. 

Nhóm giải pháp lớn thứ 3, cũng là nhóm giải pháp tối quan trọng của Hòa Bình Group chính là nâng cao năng lực tài chính và tái cấu trúc nguồn tài chính với mục tiêu sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.

Hòa Bình Group sẽ triển khai lập Quỹ phát triển, khuyến khích các thành viên của Tập đoàn đầu tư vào cổ phiếu HBC thông qua Quỹ nói trên. Tất nhiên, hoạt động của quỹ phải phù hợp với quy định của pháp luật, và khuyến khích tăng tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nội bộ.

Lãnh đạo Hòa Bình Group tin tưởng, Quỹ này sẽ góp phần tạo ra giá trị tài chính cho CBNV do hiện nay, thị giá giá cổ phiếu HBC chỉ tương đương 45%  - 50% so với giá trị sổ sách. Theo phân tích của lãnh đạo Hòa Bình Group sỡ dĩ có tình trạng này là do tác động tâm lý của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Tôi rất mong toàn thể thành viên Hòa Bình Group ý thức một cách rõ ràng là cuộc khủng hoảng hiện nay có quy mô toàn cầu đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng rất cao và diễn biến thật khó lường. Tôi tin tưởng tuyệt đối rằng với tình yêu sâu sắc của toàn thể thành viên dành cho tập đoàn, với thái độ tích cực và tinh thần chủ động, với truyền thống đoàn kết vượt khó chúng ta sẽ mang tinh thần cánh diều ngược gió, vượt qua cuộc khủng hoảng này cũng như đã từng vượt qua bao sóng gió với nhiều thăng trầm trong suốt ba thập kỷ qua” - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Lê Viết Hải khẳng định trong thông điệp.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 3-4 đến ngày 2-5-2020 nhằm bình ổn giá cổ phiếu của công ty trên thị trường. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã chứng khoán: HBC) vừa công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu quỹ. Theo đó, Hòa Bình đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 3-4 đến ngày 2-5-2020 nhằm bình ổn giá cổ phiếu của công ty trên thị trường. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh với mức giá theo thị trường tại thời điểm giao dịch. Thị giá cổ phiếu HBC hiện xoay quanh ngưỡng 7.000 đồng/cp, giảm khoảng 35% so với đầu năm. Tính theo mức giá này Hòa Bình sẽ phải chi khoảng 70 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ.

Tin cùng chuyên mục