Những cơn sốt đất xảy ra ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), Hớn Quản, Bình Phước, Bình Ba (Bà Rịa - Vũng Tàu), sân bay Phan Thiết (Bình Thuận)… thời gian qua có điểm giống nhau, đó là các thông tin quy hoạch được công bố hoặc mới đề xuất đã thu hút “cò” đất nghe ngóng, rồi tung tin, thổi giá lôi kéo nhiều người đến mua. Thực chất đó là những cơn sốt đất giả, diễn ra một thời gian rất ngắn. Hậu quả để lại là giá đất tăng, người mua lỡ làng và nguy hại hơn là gây xáo trộn xã hội.
Việc công bố quy hoạch (khu dân cư, sân bay, đường cao tốc, các công trình hạ tầng khác…) là hết sức bình thường trong công tác điều hành, quản lý đô thị. Khi công bố dự án, triển khai thi công dẫn đến giá đất tăng lên cũng là việc thường gặp lâu nay. Vậy vấn đề ở đây có gì bất thường?
Đó chính là sự thổi phồng giá đất tăng quá mức của “cò” đất. Ví dụ, chỉ một văn bản thông báo về việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép Tập đoàn Vingroup khảo sát, nghiên cứu lập dự án tại xã Bình Ba và thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) được đưa lên mạng xã hội đã thổi bùng lên cơn sốt đất. Cò đất tại chỗ, rồi từ nhiều nơi khác tìm tới cắm bảng, giăng băng rôn, chèo kéo người đi đường, đăng rầm rộ lên mạng xã hội, thế là người khắp nơi kéo về. Tất cả đáp ứng điều kiện cần và đủ của một cơn sốt đất. Đó cũng chính là “công thức” cho các cơn sốt đất vừa qua. Còn người mua, cứ tưởng đi theo “người khổng lồ” hoặc đầu tư đón đầu quy hoạch thì sẽ trúng quả, nhưng rồi chờ đợi mỏi mòn!
Chưa kể, để xảy cơn sốt đất có sự thờ ơ, có khi “mắt nhắm mắt mở” của chính quyền địa phương. Một thời gian dài, việc phân lô bán nền ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu do công ty Alibaba tổ chức rầm rộ, dù chưa có dự án nào được chính quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Việc giao dịch chỉ dừng lại khi cơ quan công an vào cuộc.
Để triệt xóa nạn sốt đất, vấn đề đầu tiên là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Khi có sự việc diễn ra, chính quyền sở tại phải nhanh chóng vào cuộc, chủ động ra các văn bản thông báo về tình trạng đất đai, tình hình triển khai dự án để giải tỏa những thông tin giả tạo đăng tải trên mạng xã hội.
Cùng với đó là chỉ đạo công an xử lý những “cò” đất phao tin đồn nhảm. Chính quyền địa phương cũng phải nhanh chóng xác minh tính pháp lý của các dự án rao bán; nếu chưa đảm bảo tính pháp lý phải tiến hành cắm bảng thông tin tại thực địa, đồng thời thông báo trên các trang tin điện tử địa phương để người dân biết.
Với cách làm như vậy, TPHCM trong thời gian qua đã cơ bản giải quyết các cơn sốt đất ở vùng ven. Hay như trong nội thành, UBND quận 10 đã hai lần căng băng-rôn tại khu đất, rồi đưa trên trang web của quận khẳng định không có dự án nhà cao tầng tại ngã tư Thành Thái - Tô Hiến Thành. Sự thông tin kịp thời, minh bạch, đầy đủ của chính quyền địa phương là cách làm hữu hiệu để dập tắt nhanh chóng việc đồn thổi tạo cơn sốt đất giả tạo.
Cuối cùng, đó là sự tỉnh táo của người mua. Chắc chắn không ai bảo vệ mình bằng chính mình nên cần tìm hiểu kỹ trước khi “xuống tiền”. Như vậy, từ hành động khẩn trương, nghiêm túc của chính quyền; sự tỉnh táo của người dân sẽ khắc phục cơ bản kiểu cò đất tung hoành như thời gian qua.