Trớ trêu vì ngôn tình
Vừa tốt nghiệp đại học, hy vọng có được thu nhập ổn định để có thể trụ lại thành phố, nhưng tình cảm thường xuyên gặp trục trặc từ những chuyện không đáng khiến Nguyễn Gia Minh (23 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Quá, quận 12) thêm mệt mỏi và áp lực.
Kể lại câu chuyện tình dở khóc, dở cười của mình, Minh cho hay: “Mình và bạn gái cùng tuổi, nên lúc ra trường cả hai đều áp lực với công việc mới. Ban đầu cãi nhau mình chỉ nghĩ chắc vì mệt mỏi, áp lực do công việc nên cố nhịn; sau này để ý hơn thì thấy bạn gái hay nghe mấy truyện ngôn tình trên mạng, rồi so sánh mình không quan tâm chu đáo được như nam chính trong truyện nên luôn kiếm cớ trách móc”.
Phải mất một thời gian dài nhờ gia đình và bạn bè khuyên nhủ, câu chuyện tình cảm của Minh có thể ổn định lại. “Gần cả nửa năm trời, tụi mình gần như chia tay, mình nhờ gia đình, bạn bè khuyên nhủ, rồi tìm cách nói chuyện để bạn gái hiểu. Mình tìm mua đĩa nhạc, sách tô màu tặng bạn gái nhiều hơn để không bị cuốn vào những truyện ngôn tình ảo nữa”, Minh kể lại.
Cũng gặp cảnh trớ trêu vì quá “ám” những truyện ngôn tình, hoang mang trước cuộc sống không đẹp như trong truyện, cô gái trẻ Vũ Thị Hiền (26 tuổi, ngụ đường Vũ Tông Phan, quận 2) phải tìm đến bác sĩ tâm lý. Sau khi chia tay người yêu, cộng với những áp lực trong công việc mới khi vừa chuyển chỗ làm, Hiền tìm đến những audio, video truyện ngôn tình để thư giãn trong những lúc rảnh rỗi, nhưng thành ra “nghiện” lúc nào không hay.
Hiền kể lại: “Ban đầu mình chỉ nghe những audio ngắn chừng 15 - 20 phút để thư giãn, sau đó nghe những audio truyện dài cả 3 - 4 giờ. Nhiều đêm gần như mình thức trắng để nghe vì không dứt ra được, cứ muốn nghe cho hết, cho đến kết thúc mới thôi. Rồi nhìn lại cuộc sống nhiều chuyện không vui, không màu hồng như trong truyện, mình lại thấy bi quan nhiều hơn, rồi mơ ước gặp được những kiểu soái ca, nam thần như trong truyện. Khoảng một tháng tinh thần lẫn sức khỏe không ổn định, gia đình đưa mình đến bác sĩ tâm lý. Sau này, dù đọc hay nghe truyện thì mình chọn lựa rất kỹ”.
Càng cấm càng tò mò
Với từ khóa “truyện ngôn tình” trên YouTube, hàng loạt audio, video hiện ra với những tựa truyện sướt mướt, mùi mẫn. Đặc biệt những truyện có video minh họa bằng hình ảnh kiểu tranh vẽ, hay video có MC đọc càng hấp dẫn người nghe, người xem. Nhiều video gắn mác “16+”, “18+” hay thậm chí “21+” càng thu hút lượt view lẫn bình luận nhiều hơn và tất nhiên, phần nội dung hay kiểm duyệt được người click vào đang ở độ tuổi bao nhiêu thì không ai biết được.
Bên cạnh những audio, video ngôn tình, cộng đồng những người yêu thích dòng truyện ngôn tình cũng được lập ra trên mạng xã hội, mỗi hội nhóm thu hút không dưới 1.000 tài khoản tham gia. Các group này thường xuyên chia sẻ, bình luận về những truyện mới, thậm chí có group đầu tư hơn với đội ngũ vẽ tranh minh họa những truyện đang “hot” để thu hút thành viên tham gia.
Tại sao những audio, video, hội nhóm truyện ngôn tình này ngày càng nở rộ, câu trả lời chính là lợi nhuận thu lại từ quảng cáo (cách kiếm tiền phổ biến của người làm Vlog, hội nhóm trên mạng xã hội hiện nay - PV). Hàng loạt quảng cáo được chèn trong các audio, video ngôn tình, thương hiệu các sản phẩm cũng được đính kèm dạng logo thông qua những tranh vẽ minh họa truyện ngôn tình trên các fanpage, group… Có thể nói, một “mỏ tiền” online vẫn không ngừng được khai thác, từ cách xem và nghe dễ dãi của nhiều người trẻ hiện nay.
Từ ngôn tình thật sự đến dung tục, phản cảm là một ranh giới rất mong manh. Ở lứa tuổi đang trưởng thành, những thay đổi, tác động từ cuộc sống bên ngoài (dù là thông qua sách, phim ảnh, truyện tranh…) đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý sau này. Vì vậy, người trẻ nếu yêu thích dòng truyện này, cần có sự chọn lọc nghiêm túc những ấn phẩm văn hóa, trước thị trường ngôn tình “thượng vàng hạ cám” hiện nay.