Thầy NGUYỄN TRUNG NHẬT (giảng viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội TPHCM):
Sử dụng mạng xã hội đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội
Mạng xã hội có tính kết nối cộng đồng cao, có thể sử dụng để học tập, tiếp thu thông tin, phản biện... Cũng chính từ việc kết nối này, rất nhiều sự việc, góp ý, phản hồi của người dân được chính quyền biết đến và giải quyết kịp thời; từ đó ban hành các chính sách phù hợp với thực tế đời sống, đúng với nguyện vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, cũng có một số người dùng lợi dụng mạng xã hội để chia sẻ những ý kiến thiếu khách quan, những câu chuyện xấu, tiêu cực, thậm chí chửi rủa, lăng mạ người khác, gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị - xã hội. Thực chất đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, có một số người dùng mạng xã hội hùa theo tâm lý đám đông, chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, rồi bình luận bằng những lời lẽ xúc phạm khi chưa hiểu rõ thực hư vấn đề, cố tình kích động công chúng.
Vì vậy, người dùng mạng xã hội cần nhận thức đúng trách nhiệm của mình, tỉnh táo khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin. Mỗi cá nhân phải phân biệt được thông tin đó là cần thiết hay không, là đúng hay sai. Nếu là thông tin sai lệch, có thể tiếp cận theo góc độ “biết để mà tránh”; tuyệt đối không nên hùa theo hoặc chia sẻ rộng rãi.
Các phụ huynh có con nhỏ cũng nên quan tâm để ý, nhắc nhở con em mình. Nhà trường cũng cần thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt tập thể cho học sinh, chia sẻ cách sử dụng mạng xã hội đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội. Đồng thời, cơ quan chức năng cần phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, rà soát, nhanh chóng vào cuộc xử lý, phản hồi, ứng phó với các thông tin sai lệch.
Cần hiểu đúng về tự do ngôn luận
Tự do ngôn luận là yếu tố không thể thiếu để yên dân, tăng lòng tin xã hội. Tuy nhiên hơn bao giờ hết, mỗi người dân, mỗi người dùng mạng xã hội cần sáng suốt chọn lọc, bình luận khi tiếp nhận các thông tin từ truyền thông xã hội. Vì nếu không sáng suốt, không vững lập trường, không đủ kiến thức phân biệt, thì mỗi người đều có thể trở thành một công cụ “vô tình và mù quáng với tư tưởng tự do ngôn luận” cho những thế lực ngầm thực hiện những mưu đồ đen tối.
Để hạn chế tác động tiêu cực từ truyền thông mạng xã hội, cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về Luật An minh mạng để mỗi người dân có thể biết, hiểu và hành động đúng. Lắng nghe ý kiến của nhân dân trong quá trình thực thi luật, để từ đó hoàn thiện, phù hợp thực tiễn, đảm bảo quyền lợi và ý thức cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Có chế tài nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân kích động, lôi kéo đám đông phục vụ những mục đích không lành mạnh.
Có những cam kết, ràng buộc đối với các đơn vị truyền thông mạng xã hội lớn, để họ chịu trách nhiệm giám sát và xử lý thông tin cùng các cơ quan chức năng. Các cơ quan nhà nước phải thực sự lắng nghe dân, giải đáp, phản hồi các thắc mắc, bức xúc của dân. Xử lý nghiêm, không vùng cấm đối với những cá nhân, nhóm người làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân, đến uy tín, đến lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Thầy NGUYỄN THÀNH CHINH (nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa TPHCM):
Có ý thức trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội
Trên truyền thông xã hội, có những thông tin trái chiều được phát tán chưa được kiểm chứng, liên quan đến bí mật nhà nước, uy tín cán bộ lãnh đạo, cá nhân cụ thể… Các status phát tán những thông tin này thường được số lượt view cao, nhiều người chia sẻ. Trong khi đó, các cơ quan chức năng, cán bộ lãnh đạo, cá nhân liên quan, thậm chí cơ quan báo chí nhà nước không kịp thời có phản biện về đúng hay sai của thông tin được phát tán, khiến mạng xã hội trở thành người làm chủ thông tin giả, tin đồn, thường gây bất lợi cho xã hội.
Theo tôi, người dùng mạng xã hội cần hết sức lưu ý khi phát ngôn, đọc, chia sẻ thông tin. Dù bạn là ai, địa vị xã hội như thế nào, đừng bao giờ phủi trách nhiệm bản thân khi tham gia mạng xã hội. Hơn ai hết, nếu bạn là cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước, thì càng phải biết đề cao trách nhiệm, ý thức khi thể hiện một quan điểm, chính kiến, hay chia sẻ một thông tin gì trên mạng xã hội.
Cần có sự trở bộ nhanh chóng của các cơ quan quản lý nhà nước, ngành chức năng liên quan trong việc ứng phó với thông tin giả, xuyên tạc, kích động, bằng cách minh bạch thông tin, chia sẻ kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm; phản biện nhanh những thông tin bịa đặt, vu khống, bôi xấu hình ảnh đất nước, uy tín lãnh đạo trên mạng xã hội. Đó là cách tốt nhất để lập lại trật tự không gian mạng hiện nay.