Trong diễn văn kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, đồng chí Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: Đầu tháng 4- 1992, tỉnh Sóc Trăng chính thức được tái lập. Thời điểm mới tái lập, tỉnh có nền kinh tế thuần nông quy mô nhỏ, đất đai hầu hết bị nhiễm phèn, mặn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Sau 30 năm phát triển, vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đoàn kết, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biến thách thức thành cơ hội để đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Sau 30 năm tái lập (tháng 4-1992 đến tháng 4-2022), quy mô kinh tế của Sóc Trăng đạt 57.120 tỷ đồng (tăng 38 lần so với năm 1992); tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1993 - 2021 là 10,18%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 2.031 USD (năm 1992 chỉ ở mức 122 USD); chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ lệ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; xuất khẩu hàng hóa đến khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với trị giá xuất khẩu năm 2021 là hơn 1,2 tỷ USD (gấp 51 lần so với năm 1992); tỉnh hiện có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 72,5%); tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 chỉ còn 6,64% (năm 1992 là 36,7% )…
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu nổi bật của tỉnh Sóc Trăng sau 30 năm tái lập tỉnh. Với những thành tựu trên, tỉnh Sóc Trăng vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh – đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng cho sự nỗ lực, phấn đấu, cần cù lao động sáng tạo của toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sóc Trăng.
Để Sóc Trăng sẽ tiếp tục phấn đấu bước tiếp trên con đường hội nhập và phát triển trong tương lai, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần cố gắng tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới; cải thiện môi trường đầu tư để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; thực hiện hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030; đẩy mạnh công tác giảm nghèo “không để ai bị bỏ lại phía sau”.