Tình quê nơi đất khách

Khi bão Irma quét qua bang Florida và bang Georgia, tôi lo lắng gọi điện hỏi thăm những người bà con và các đồng hương vừa gặp cách đây 2 tuần khi tôi đưa con sang Mỹ nhập học. 
Mảnh vườn của chú tôi ở California
Mảnh vườn của chú tôi ở California
Thật vui là mọi người đều an toàn, dù nhà cửa của họ bị hư hại nặng. Nhưng họ buồn và tiếc vì mảnh vườn sau nhà, nơi chứa cả “quê hương”, bị tan hoang sau cơn bão. 
Tôi đến Mỹ không phải lần đầu và không chỉ dừng chân ở một nơi. Những ngôi nhà người Việt mà tôi đến thăm đều có 3 điểm chung: khoảng sân phía trước để trồng cỏ, một khu vực để xe và khoảng sân phía sau là “quê hương” của họ. Ở California, nơi có khí hậu giống quê nhà thuần nhiệt đới, tôi đến thăm nhà một giáo viên về hưu người Việt. Khoảng vườn sau nhà ông tầm 300m2 trồng đầy những cây ăn trái như bưởi, cam, hồng, ổi… Mọi ngóc ngách trong khu vườn này đều được trồng chen những loại rau, củ, quả như mồng tơi, khổ hoa, bầu, bí, rau mùi, rau quế, húng lủi, bạc hà… Nhà của vợ chồng tiến sĩ Trà - Lâm bạn tôi, đang công tác tại Đại học Riverside California, cũng có mảnh vườn thuần Việt như vậy.
Các loại rau củ quả hiện diện trong từng bữa ăn gia đình. Tôi qua TP Atlanta, bang Georgia ở bờ Đông nước Mỹ để thăm người cô. Mảnh vườn sau nhà cô cũng không khác gì những mảnh vườn tôi thấy ở California, thậm chí còn có rau sam, cây sương sâm, cây mơ lông bò trên hàng rào, từng vạt rau muống xanh mơn mởn, những trái bí đao to đùng, như những con heo nằm lăn quay đâu đó… Ở TP Boston, miền Đông Bắc nước Mỹ, khí hậu 6 tháng lạnh giá, đôi khi tuyết dày cả mét. Nơi nào mùa đông khắc nghiệt thì mảnh vườn quê cũng chết theo. Nhưng khi tiết trời ấm áp trở lại, những bụi hoa vạn thọ, cúc đại đóa, hoa mười giờ như trải thảm ngoài sân.
Không phải các loại rau nhiệt đới khó tìm, bởi chúng được bán nhiều trong các siêu thị do Mexico cung cấp. Tuy nhiên, được trồng rau, được chăm sóc mảnh vườn, đặc biệt đối với người lớn tuổi, là cách để họ đỡ nhớ quê hương. Giữ được các bữa ăn gia đình với các món Việt là cách họ giữ gìn ẩm thực và văn hóa truyền thống khi xa xứ. Đó cũng là cách họ giữ gìn cho con cháu không mất đi những đặc điểm tốt đẹp của người Việt. Khi sang đây, cô tôi duy trì thói quen bắt các con nói tiếng Việt ở nhà.
Nghe tin cha con tôi sang, các em họ của tôi về đông đủ, không thiếu đứa nào. Hơn 20 năm không gặp mặt, giờ mỗi người mỗi việc giúp con tôi, từ việc đưa đi mua sắm vật dụng cá nhân như quần áo, dầu gội... đến vật dụng học tập. Đưa con tôi đến những nơi công cộng để làm quen với những quy định, luật lệ, trang bị cho con tôi nhiều kiến thức khi nó sẽ một mình tự lập trong những năm tháng tới ở xứ người. Bạn bè tôi cũng vậy, mỗi người một tay: đứa lôi về nhà chăm sóc, đứa trang bị một số “kỹ năng mềm” để giúp con tôi nhanh hòa nhập, đưa đi tham quan viện bảo tàng, trường học, công viên... để tạo hứng thú cho con tôi. Đi đến đâu, gặp người Việt, dù chưa quen biết, nhưng khi nghe chúng tôi là những người chân ướt chân ráo, họ đều chân tình chia sẻ, tận tụy giúp đỡ. Có người cho cả số điện thoại, địa chỉ nhà khi cần thì có thể liên lạc để họ trợ giúp. 
Mảnh vườn quê, tình người xa xứ... giúp tôi vững tin rằng, những giá trị truyền thống của người Việt sẽ sống mãi, sống tốt, dù ở đâu. 

Tin cùng chuyên mục