Tình quân dân, nghĩa đồng bào

Dưới cái nắng gắt của thành phố những ngày cuối tháng 8, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TPHCM vẫn bước ngay ngắn, thẳng tắp, nhẹ từng bước chân để đưa tro cốt của người đã khuất vì dịch Covid-19 đến tận tay người thân. Người trao lẫn người nhận đều không khỏi bùi ngùi, xúc động.
Các chiến sĩ lực lượng vũ trang TPHCM đưa tro cốt của người đã khuất vì dịch Covid-19 đến tận tay người thân tại địa bàn quận 8. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các chiến sĩ lực lượng vũ trang TPHCM đưa tro cốt của người đã khuất vì dịch Covid-19 đến tận tay người thân tại địa bàn quận 8. Ảnh: HOÀNG HÙNG

1. Dừng lại trước dãy phòng trọ tạm bợ ở xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), người chiến sĩ nâng niu trao hũ tro cốt cho gia đình cùng những giấy tờ thủ tục liên quan. Người đàn ông đứng liêu xiêu, đưa đôi tay run rẩy đón nhận. Rồi như không kìm nén được cảm xúc, tiếng ông nấc nghẹn: “Bà xã ơi, em về rồi!”. Bé Nguyễn Tuấn Anh (4 tuổi), đang nằm trên võng thấy vậy bật dậy, ngọng nghịu: “Ông ngoại... ông ngoại ơi, bà ngoại đâu cho con gặp. Ngoại hứa mua đồ chơi cho con, mà sao đợi hoài không thấy”.

Chiến sĩ lực lượng vũ trang TPHCM đưa tro cốt của người đã khuất về với gia đình. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhận hũ tro cốt của vợ, ký vào giấy xác nhận, ông Siu Thanh Bình (53, ngụ Đồng Nai) đau đớn nói “cảm ơn”. Rồi ông Bình cứ ôm chặt hũ tro cốt trong lòng, nhìn về xa xăm như nhớ lại quãng thời gian đau đớn, bất lực nhất của mình. Ông kể, ngày 25-7 vợ ông bị phát hiện mắc Covid-19 và được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện quận Bình Tân. Ngày 15-8, bác sĩ báo bà không qua khỏi. Hơn 10 ngày vừa đau đớn, vừa bất lực, hai ông cháu sốt ruột chờ ngày đón được vợ ông về lo hậu sự.

Được sự động viên của Trung tá Lê Văn Dũng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự Bình Chánh, ông Bình gạt nước mắt đặt hũ tro cốt của vợ lên bàn thờ tạm. Không ai bảo ai, tất cả anh em trong tổ công tác xếp hàng ngay ngắn thắp nén nhang tiễn biệt người đã khuất, chia buồn cùng người ở lại.

Ông Siu Thanh Bình (53 tuổi, ngụ Đồng Nai) cùng cháu trai thắp nhang cho vợ - bà ngoại sau khi nhận tro cốt từ lực lượng vũ trang TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ít phút sau, chiếc xe lặng lẽ rời Tân Kiên, tìm về gia đình người quá cố tiếp theo. Trong con hẻm ngoằn ngoèo tại ấp 1A, xã Bình Hưng, tổ bàn giao dừng chân ngoài vòng dây đỏ trắng, chỉnh lại ngay ngắn nếp khăn phủ trên hũ tro cốt rồi nhẹ bước. Phía trong, cô gái trẻ sụp lạy, rưng rưng. Tay run run nhận hũ tro cốt của mẹ vợ, anh Nguyễn Thành Hưng nói trong nước mắt: “Nhà tôi có 4 người phải đưa đi điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh, gồm mẹ vợ, vợ và hai vợ chồng đứa em. Gần 1 tuần thì gia đình hay tin mẹ mất, vợ và 2 em cũng đang trở nặng, từ đó đến nay không ngày nào tôi có được một giấc ngủ ngon, chỉ mong sớm được đón mẹ để thờ cúng cho bà đỡ hiu quạnh”.

Để hương khói cho người đã mất được ấm lòng, tại khu tưởng nhớ đồng bào mất vì dịch Covid-19 ở trụ sở khu phố 3, Chi hội phụ nữ thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) đứng ra nhận nhiệm vụ lo hậu cần. 5 giờ sáng mỗi ngày, tổ 3 chị em trong hội mỗi người một việc, góc thì thổi cơm, người lo bánh trái… Tất bật đến 7 giờ, khi tổ công tác đưa cô bác về tới nơi cũng là lúc mâm cơm, ly nước được dâng lên bàn thờ cho người quá cố. Bà Lê Thái Họa My, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Túc, chia sẻ, “nghĩa tử là nghĩa tận” nên địa phương tận lòng phối hợp cùng lực lượng quân sự trong việc thực hiện công tác này. “Đang trong tháng 7 âm lịch, là tháng xá tội vong nhân trong tín ngưỡng truyền thống, do đó chúng tôi tổ chức 3 lần cúng cỗ chay/ngày tiễn đưa họ trước khi về với gia đình”, bà Họa My bày tỏ.

Lực lượng vũ trang TPHCM trao tận tay tro cốt của người đã khuất do Covid-19 cho người thân. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Lặng lẽ đốt nén hương thơm, khấn thầm mong cô bác thanh thản, phù hộ cho cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác được chân cứng đá mềm, thuận lợi đưa bà con sớm về với gia đình, rồi trầm ngâm một lúc, Trung tá Lê Văn Dũng nói: “Trong sự nghiệp quân ngũ, đây là lần đầu tôi làm nhiệm vụ xót xa như vậy. Chúng tôi nhiều lần phải cố nén cảm xúc khi chứng kiến những người con, người cháu của đồng bào không may mắn qua đời vì dịch bệnh, ôm chặt hũ tro cốt khi chúng tôi thực hiện nghi lễ bàn giao. Chúng tôi luôn ý thức rằng, thân nhân của đồng bào đã mất đang chờ từng ngày, từng giờ để được nhận tro cốt của họ về. Vì vậy, tổ công tác luôn cố gắng đưa tro cốt bà con về với gia đình một cách nhanh nhất”.

2. Thượng tá Đinh Ngọc Thanh, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự quận 8, cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay đơn vị đã nhận 583 hũ tro cốt và bàn giao 486 trường hợp. Số tro cốt còn lại chưa bàn giao do thân nhân người mất đi cách ly tập trung, địa chỉ không thực tế trên địa bàn. “Đầu tiên, chúng tôi lựa chọn địa điểm trang nghiêm nhất để đặt tro cốt đồng bào, lập bàn thờ theo phong tục truyền thống của dân tộc để thờ cúng người đã khuất. Sau đó tham mưu chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình người mất một phần nhỏ kinh phí để chia sẻ mất mát với họ”, Thượng tá Đinh Ngọc Thanh chia sẻ.

Ngoài công tác tiếp nhận, bàn giao tro cốt, hiện Ban Chỉ huy quân sự quận 8 nhận thêm nhiệm vụ tẫn liệm xử lý thi hài người tử vong do dịch Covid-19 trên địa bàn. “Đây là nhiệm vụ mới, rất áp lực với chúng tôi nên có nhiều bỡ ngỡ. Có những ngày phải xử lý đến 30 trường hợp, sau đó đưa đi hỏa táng theo quy định. Gần như chúng tôi phải căng sức trên mọi mặt trận để làm sao đưa thi hài người chết đi hỏa táng nhanh nhất, trao trả tro cốt sớm nhất cho thân nhân, gia đình”, Thượng tá Đinh Ngọc Thanh cho biết.

Công việc nhiều, vất vả, lại có nguy cơ mắc Covid-19 nhưng chưa bao giờ những người lính phàn nàn, bởi với họ, vì nhân dân phục vụ, phụng sự Tổ quốc là trách nhiệm của người lính. Từ thủ trưởng, chỉ huy đơn vị đến những chiến sĩ dân quân thường trực vừa tham gia tình nguyện chỉ vài tháng, không ai bảo ai đều chung sức đồng lòng tham gia vào các công việc được giao. 2 tháng trước, nữ chiến sĩ Lâm Tuyết Nhi (21 tuổi) đăng ký tham gia lực lượng dân quân thường trực phục vụ công tác chống dịch tại phường 2, quận 8. Ban đầu, Tuyết Nhi được giao nhiệm vụ hậu cần ở phía sau nhưng sau đó được đưa vào danh sách những người trao trả tro cốt người mất. Nhi tâm sự: “Dịch bệnh phức tạp quá, em cũng rất sợ bị nhiễm bệnh nhưng khi thấy đồng đội lăn xả vào công việc, chứng kiến những khoảnh khắc sinh ly tử biệt khi bàn giao tro cốt cho gia đình người đã khuất thì em không còn lăn tăn gì nữa và thấy rằng việc làm của mình vô cùng ý nghĩa”.

Trên mặt trận chống dịch không tiếng súng, đã có không ít sự hy sinh của lực lượng quân đội. Đến nay, đã có 612 chiến sĩ không may nhiễm bệnh trong nỗ lực giúp người dân phòng chống dịch. 40 đồng chí mất người thân vì dịch bệnh, trong đó, 18 đồng chí có cha hoặc mẹ mất vì mắc Covid-19… Như trường hợp của đồng chí Trần Văn Hùng, Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Bình Hưng (Bình Chánh), mắc Covid-19 sau chuỗi ngày tham gia phòng chống dịch tại địa phương. Thế nhưng những ngày này, dù đang nằm điều trị tại khu cách ly tập trung của huyện, anh vẫn không ngơi nghỉ, tiếp tục “điều hành từ xa” để anh em trong đội sớm đưa tro cốt đồng bào trao trả cho người thân. Hơn ai hết, anh hiểu rằng họ đang mong ngóng từng giờ, từng phút để được đoàn tụ với người thân, dẫu cho sự đoàn tụ này chỉ còn trong tâm tưởng.

“Nghĩa tử là nghĩa tận” - đạo lý muôn đời của dân tộc Việt Nam đang được lực lượng quân sự thành phố mỗi ngày đảm trách. Những bước chân hành quân thần tốc đi cứu nước năm xưa đã trở lại trên vạn dặm nẻo đường, đưa tro cốt người đã mất trở về đoàn tụ cùng gia đình, người thân trong tình cảnh dịch bệnh ngặt nghèo. Nghĩa cử ấy phần nào giúp người đã khuất “nhẹ bước thanh vân” và như một sự an ủi, xoa dịu nỗi đau trong lòng người ở lại.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM: Người lính xin được gánh vác việc nhân nghĩa này


Khi được sự đồng ý của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Thành ủy, UBND TPHCM, cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang thành phố xin tình nguyện gánh vác việc làm nhân nghĩa này theo đúng đạo lý của dân tộc “nghĩa tử là nghĩa tận”. Là lực lượng vũ trang được sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, đã luôn được nhân dân yêu thương, cưu mang, đùm bọc chở che và tin cậy, do đó trong lúc khó khăn hoạn nạn này là lúc cán bộ, chiến sĩ bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân thành phố. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, sự chu toàn cho người đã mất lúc này là nghĩa cử cao đẹp, là bổn phận của lực lượng vũ trang thành phố để xứng đáng với truyền thống “ở đâu gian khó, ở đó có bộ đội Cụ Hồ”. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố quyết tâm và hành động, không để một người dân nào bị bỏ lại trong lúc hoạn nạn này, kể cả những người đã khuất. Đồng thời, chúng tôi mong muốn bà con yên tâm, tin tưởng, đồng thuận và thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và thành phố, để chúng ta cùng nhau chung sức, đồng lòng chiến thắng dịch Covid-19, sớm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.


                                                                    NGỌC HÂN ghi

Tin cùng chuyên mục