Kết nối với Thành Được không hề dễ dàng. Ban đầu chỉ là những dòng tin nhắn vội vàng, ngắt quãng do những nơi Thành Được đến nằm trong vùng sóng yếu. “Bọn em tự lập nhóm đi cứu trợ mọi người. Hành trình từ ngày 3-1 đến nay và hầu như không ngừng nghỉ. Hoạt động cứu trợ vẫn đang tiếp diễn vì vẫn còn những bạn Việt Nam cần trợ giúp. Mọi người đều hỗ trợ nhau trên tinh thần tự nguyện vì ai cũng phải sắp xếp việc gia đình, công việc”, Thành Được chia sẻ qua điện thoại. Đến ngày 19-1, chặng hành trình của nhóm tình nguyện viên mới khép lại.
Tỉnh Ishikawa có hơn 5.000 người Việt Nam, trong đó khoảng 600 người, chủ yếu là các thực tập sinh, đang làm việc tại các công ty hoặc nhà máy ở khu vực bán đảo Noto. Hầu hết các bạn thực tập sinh đều lần đầu qua Nhật Bản và chưa có kinh nghiệm để đối phó với động đất, sóng thần. Đó cũng là một phần lý do khi động đất xảy ra, các bạn lúng túng, lo sợ vì không biết làm gì và đi đâu.
Vào thời điểm động đất xảy ra, nhiều thực tập sinh người Việt từ các vùng nguy hiểm lên tiếng kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng. Nhiều lao động thậm chí đã mất liên lạc với người thân. Với tinh thần tương thân tương ái, Thành Được quyết định tìm cách hỗ trợ bà con. Anh cùng một số người bạn tập hợp, lên phương án hỗ trợ, chuẩn bị thực phẩm, nước uống. Cùng với đó là những tấm lòng ấm áp sẵn sàng chung sức. Người góp thùng nước, người mang thùng bánh, người chở cả xe tải đồ từ Tokyo xuống để góp vào chuyến hàng hỗ trợ vùng thảm họa.
Chặng hành trình kéo dài hơn 2 tuần có không ít bất lợi. Tiết trời lạnh giá, nhiều tuyến đường bị sụt lở, mạng Internet bị ảnh hưởng, nhiều điểm không thể tra cứu bản đồ. Có những khu vực gần như bị cô lập, ô tô không thể vào được mà chỉ có thể đi bộ. Nhóm của Thành Được phải tự dò đường, cùng động viên nhau vượt khó, cố gắng gửi đồ hỗ trợ đến 200 nạn nhân tại Ishikawa. Với phương châm giúp những ai cần nên không chỉ hướng tới người Việt, mà nhóm còn hỗ trợ những người dân sở tại gặp khó khăn. Những địa điểm dù khuất nẻo nhưng hễ biết là nơi có người Việt sinh sống, nhóm liền tìm đường đến, giúp họ liên lạc với người thân.
Ngay từ những ngày đầu, nhóm đã tìm cách đến một địa điểm lánh nạn tại thị trấn Wajima và tìm thấy 7 nữ thực tập sinh Việt Nam đang trú tại đây. Những món quà tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa vào thời điểm đó đã được trao đi, mạng Internet tuy chỉ được phát tạm thời nhưng cũng là nguồn động viên lớn để các em có thể báo tin bình an về quê nhà.
Cũng có những nhóm tình nguyện khác sẵn sàng đi vào vùng tâm chấn mà không ngại nguy hiểm. Một bếp ăn của nhóm tình nguyện viên người Việt đã được tổ chức trong khu lánh nạn tại tỉnh Ishikawa, cung cấp những bữa ăn miễn phí cho những người phải sơ tán do động đất. Bên cạnh đó là các hoạt động chuyển hàng cứu trợ từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tới cộng đồng người Việt cũng như người dân địa phương. Các chuyến hàng cứu trợ do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng lãnh sự quán Osaka, cộng đồng người Việt tại các địa phương ở Nhật Bản cũng đổ về tỉnh Ishikawa. Những lời kêu gọi tình nguyện viên tham gia các hoạt động cứu trợ trên nhiều tài khoản mạng xã hội của người Việt tại Nhật Bản luôn được hưởng ứng mạnh mẽ.
Để mọi việc diễn ra suôn sẻ nhất có thể, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã chủ trì việc điều phối hoạt động cứu trợ của người Việt, nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực tập thể, tránh tình trạng chồng chéo và làm ảnh hưởng đến hoạt động của phía Nhật Bản. Điều này đã không chỉ làm ấm lòng những người Việt, mà còn để lại ấn tượng sâu đậm và sự cảm kích của người dân Nhật Bản dành cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại quê hương thứ hai của mình.