Tình người trên đất Thái

Tình người trên đất Thái

Tháng 10 vừa qua, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, nhà văn Trần Văn Tuấn đã tới Thái Lan nhận giải thưởng Văn học Đông Nam Á 2007. Sự chu đáo của nước chủ nhà trong đón tiếp và tình cảm nồng hậu của đồng bào người Việt xa xứ dành cho nhà văn và phóng viên đi cùng làm ấm lòng tất cả mọi người.

Là khách của Hoàng gia

Tình người trên đất Thái ảnh 1

Nhà văn Trần Văn Tuấn (phải) và ông Châu Kim Quới - “nhà Thái học” người Việt.

Giải thưởng Văn học Thái Lan (S.E.A Write Award) được Hoàng gia Thái Lan đề ra nhằm tôn vinh các cây viết khu vực Đông Nam Á, giải được các tập đoàn lớn của Thái Lan và Quỹ Rex Morgan (Australia) tài trợ.

Giải thưởng của Hoàng gia nên tất cả việc tiếp đón, ăn ở và tham quan cũng rất… Hoàng gia. Những nhân viên khách sạn 5 sao Hoàng gia Oriental tại Bangkok (người Thái thường gọi là Orienten) tiếp đón chúng tôi rất niềm nở. Khách sạn nằm cạnh con sông Chao Praya khá thơ mộng với các chiếc thuyền rồng thật ấn tượng sẵn sàng chở du khách ngắm cảnh trên sông.

Oriental được thiết kế khá hiện đại và cung cách phục vụ lại mang đậm nét truyền thống của Hoàng gia Thái Lan. Ban tổ chức tạo điều kiện thời gian khá rộng rãi để những người nhận giải tới Thái Lan tham gia nhiều hoạt động như tham quan, giao lưu với độc giả và ngâm thơ. Các nhà văn Đông Nam Á được hướng dẫn tham quan nhiều di tích mang đậm chất văn hóa Thái Lan từ Hoàng cung đến các ngôi chùa cổ kính và cả cố đô Ayudthaya…

Thật hiếm có dịp nào như thế này để các nhà văn Đông Nam Á giao lưu, trao đổi tăng thêm hiểu biết nhau hơn. Xa hơn nữa, ban tổ chức muốn thông qua các nhà văn để quảng bá hình ảnh Thái Lan.
 
Buổi lễ nhận giải thưởng là đỉnh cao của phong cách Hoàng gia. Những vị nhận giải thưởng phải diễn tập nghi thức tiếp kiến đại diện Hoàng gia Thái Lan theo đúng bài bản trước khi diễn ra lễ trao giải thưởng. Tuy mệt nhưng ai nấy cũng thấy thú vị vì lần đầu tiên hiểu được nghi lễ cung đình Thái Lan.

Tấm lòng người Việt trên đất Thái

Trong suốt thời gian ở Bangkok, chúng tôi luôn nhận được tình cảm ấm áp từ cộng đồng người Việt. Năm nào cũng vậy, khi nghe tin nhà văn Việt Nam đoạt giải thì cộng đồng người Việt tới thăm hỏi như thể đón người thân từ xa trở về. Thông tin về nhà văn Trần Văn Tuấn và tác phẩm đoạt giải-tiểu thuyết “Rừng thiêng nước trong” - được bà con người Việt tìm hiểu kỹ.

Trong buổi giao lưu giữa những nhà văn nhận giải với bạn đọc tại Thư viện Hoàng gia Thái Lan, nhiều bà con người Việt đã tới chăm chú lắng nghe tâm sự của các nhà văn đoạt giải, nhất là với nhà văn Trần Văn Tuấn. Được nghe giọng nói người Việt, những chuyện kể bên nhà, người Việt xa xứ như được nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương.

Nổi bật trong số bà con người Việt tại Bangkok là bác Châu Kim Quới, người được mệnh danh là “nhà Thái học” người Việt. Bác Quới sang Thái Lan công tác và sinh sống từ năm 1946. Bác có nhiều công trình nghiên cứu và sáng tạo quan trọng trong ngành khoa học ngôn ngữ và lịch sử của nước Thái. Năm 2003, bác Quới được Bộ Ngoại giao nước ta tặng bằng khen vì “có đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc truyền bá tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam”.

Cũng năm 2003, Thông tấn xã Việt Nam đã trao tặng bác Huy chương “Vì sự nghiệp Thông tấn”.
Tuổi cao, đi lại khó khăn nhưng bác Quới vẫn nhiệt tình đề nghị được trợ giúp chúng tôi. Bác rất tự hào là người phiên dịch Việt-Thái cho tất cả các nhà văn đoạt giải S.E.A Write từ trước tới nay.

Bác Quới cho biết việc dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ Việt tại Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn do thiếu tài liệu, sách vở. Vì vậy đối với bác, những cuốn sách, tài liệu từ Việt Nam gửi sang bao giờ cũng được trân trọng. Bác Quới rất vui khi được nhà văn Trần Văn Tuấn tặng nhiều tác phẩm trong đó có tác phẩm mới nhất “Đại gia tỉnh lẻ”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bác còn vui mừng cho biết thêm, những năm qua, nhất là khi Việt Nam gia nhập ASEAN, cộng đồng người Việt ở Thái ngày càng có nhiều quyền bình đẳng hơn, trong đó việc xin gia nhập quốc tịch cũng được xem xét dễ dàng hơn. Và sắp tới sẽ có nhiều trường học dạy tiếng Việt ra đời.

Trong đêm ngâm thơ dành cho các tác giả đoạt giải, chúng tôi còn gặp nhiều sinh viên Thái Lan từng học tại Việt Nam, nói tiếng Việt rất sõi. Các em không những giỏi tiếng Việt mà còn am hiểu nhiều về văn hóa của Việt Nam. Nhiều người dân Thái cũng tỏ ra cảm kích trước khả năng vừa cầm súng chiến đấu vừa viết văn của các tác giả xuất thân từ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tạm biệt Bangkok, chúng tôi rất tiếc là đã không có đủ thì giờ để nhận lời của các chú, các anh người Thái gốc Việt mời đến nhà giao lưu gặp gỡ. Hẹn một dịp khác. Mặc dù thời gian gặp gỡ ngắn ngủi, nhưng những tình cảm mà bà con người Việt tại Bangkok dành cho chúng tôi cứ mãi in đậm trong tâm trí chúng tôi.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục