Chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chính thức sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp thứ 32 vừa qua.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, tổng số vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án này đã được xác định rõ về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn cũng là nội dung đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định.
Cơ quan trình dự án cho rằng dự án có thể bảo đảm tiến độ (cuối năm 2026 cơ bản hoàn thành) vì theo thiết kế sơ bộ, trên phạm vi dự án không có công trình đặc biệt, phần lớn là công trình cầu giản đơn, nền đường đào, đắp thông thường, không phải xử lý đất yếu… Kết hợp với những cơ chế đặc thù trình Quốc hội cho phép áp dụng, công tác giải phóng mặt bằng dự kiến hoàn thành toàn bộ trong năm 2025.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ những khó khăn, vướng mắc triển khai đường cao tốc trong thời gian vừa qua, ngay trong bước nghiên cứu khả thi, UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông nghiên cứu, xác định cụ thể nguồn cung cấp vật liệu cho dự án, đánh giá kỹ về trữ lượng, điều kiện khai thác, công tác giải phóng mặt bằng để khai thác mỏ, đặc biệt là rà soát kỹ về những vướng mắc liên quan đến thủ tục khai thác mỏ để chủ động tháo gỡ, đáp ứng yêu cầu khi triển khai thi công dự án không để xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu, kiểm soát chặt chẽ giá thành để không bị đội giá.
Các ý kiến tại phiên thẩm tra đều khẳng định tán thành chủ trương đầu tư dự án, song còn băn khoăn về phương thức đầu tư. Chính phủ dự kiến chia dự án này thành 5 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 (cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành) đầu tư theo phương thức đầu tư công - tư kết hợp (loại hợp đồng BOT; sơ bộ thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ tính toán, với những dữ liệu này, lãi suất phải 5,5%/năm mới có thể bảo đảm hoàn vốn, chứ không thấp hơn nhiều như bài toán của Chính phủ. Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua cho thấy việc huy động nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án giao thông BOT gặp rất nhiều khó khăn; cần bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi.
Có rất nhiều dự án giao thông BOT đang gặp khó khăn, vướng mắc do sự thay đổi chính sách, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa đề xuất được giải pháp hữu hiệu để xử lý
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ sự phù hợp, cơ sở pháp lý của việc dự án đề xuất đầu tư thêm 2km đoạn kết nối từ nút giao với cao tốc TPHCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa so với quy hoạch được duyệt. Tác động của dự án này tới 2 dự án BOT song hành là dự án BOT Cầu 38 và dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 14 đoạn Km817 - Km887, tỉnh Đắk Nông cũng là điều cần quan tâm, có giải pháp cụ thể để xử lý, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng thực hiện 2 dự án song hành.
“Đây không phải chuyện cá biệt, mà thực tế có rất nhiều dự án giao thông BOT đang gặp khó khăn, vướng mắc do sự thay đổi chính sách, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa đề xuất được giải pháp hữu hiệu để xử lý. Đề nghị cần sớm nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền về các giải pháp cụ thể để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 140 km, quy mô 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm vốn nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng.