Trong trường học, có nhiều loại giao tiếp, giữa ban giám hiệu với giáo viên, nhân viên của mình, giữa giáo viên - nhân viên với nhau, giữa các học sinh.
Nhưng giao tiếp quan trọng bậc nhất trong nhà trường và có sự tổng hợp các loại quan hệ đó chính là giao tiếp giữa giáo viên, giảng viên với học sinh, sinh viên, học viên, gọi chung là giao tiếp giữa giáo viên với học sinh.
Vấn đề ứng xử, giao tiếp trong trường học thực ra phản ánh khá nhiều điều về giáo dục. Thông thường, một giáo viên có năng lực, có tâm huyết, yêu nghề, quý trọng học trò luôn ý thức về việc gìn giữ hình ảnh, phẩm cách của mình. Bản thân người thầy nghiêm túc có khả năng làm gương rất tích cực cho người học, cả về việc tiếp thu kiến thức cho đến tác phong, lối sống.
Nếu một trường học có hầu hết những nhà giáo như thế thì rõ ràng chất lượng giáo dục ở đây được khẳng định. Tức là, một người thầy có năng lực chuyên môn tốt và phong thái tích cực sẽ thuyết phục được người học thực sự học tốt hơn.
Một người thầy biết tôn trọng người học thì sẽ không giảng dạy kiểu áp đặt mà thường có trao đổi, lắng nghe, cởi mở trong đánh giá, nhận xét, trân trọng các ý kiến mới, kể cả ý kiến trái chiều.
Sự dân chủ là một tiền đề quan trọng để thúc đẩy các sáng kiến, phát huy tính năng động, khả năng tư duy cho người học, thay vì lấy lời thầy giáo làm “khuôn vàng thước ngọc”, dễ dẫn đến “sức ỳ” hoặc thụ động, rập khuôn, bắt chước.
Bên cạnh đó, tư cách đứng đắn, phong cách phù hợp thường có ý nghĩa động viên, thuyết phục người học chấp hành các quy định, nội quy trong nhà trường.
Điều góp phần quan trọng để tạo ra một môi trường sư phạm lành mạnh, tiến bộ, đoàn kết, thân ái, gắn kết giữa các thành viên với nhau. Từ đây, sự kỷ luật sẽ có những tiền đề để được thể hiện rõ ràng hơn, cụ thể hơn.
Một khi cách thức giao tiếp, ứng xử giữa người thầy và người học được thể hiện đúng đắn, tích cực tức là đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Tuy đây có thể chưa phải là quan hệ mang tính chuẩn mực trong nhà trường nhưng thường có sự tác động tích cực, thậm chí là hình mẫu có các quan hệ khác.
Rõ nét nhất là quan hệ giữa những người học với nhau; người thầy đã biết quý trọng, yêu thương người học thì dễ tác động để học sinh biết tôn trọng, gắn bó nhau; người thầy đã phát huy dân chủ, không lấy quyền uy để áp đặt thì học sinh cũng thấy rõ nên phát huy tính bình đẳng, chan hòa với nhau; người thầy đã biết hy sinh, chia sẻ thì người học cũng sẽ dễ dàng thông cảm, thân ái, giúp đỡ nhau…
Đừng tưởng đã làm thầy thì có thể nạt nộ, gọi “mày tao”, hoặc áp đặt hoặc “khoe mẽ” với học sinh. Có thể xem mỗi cách thức biểu hiện tình cảm, thái độ, phong cách hay mỗi lời nói, cử chỉ đều là một mặt gương để người học soi vào đó và chịu một sự phản chiếu nào đó.
Một trường học tốt vẫn có thể có những học sinh chưa tốt, trách nhiệm của nhà trường là làm cho học sinh đó tốt lên; nhưng nhà trường tốt thì không nên có những người thầy không tốt, chính họ có thể làm nhà trường và người học bị ảnh hưởng xấu.